/

Hiện tượng lạ mặt đất trào bùn ở Phú Yên: Bố trí kíp trực 24/24, sẵn sàng sơ tán người dân

07:41 10/04/2025
54 lượt xem

UBND huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) mở rộng phạm vi khoanh vùng, bố trí kíp trực 24/24, sẵn sàng sơ tán người dân xung quanh khu vực miệng phun bùn nước.

Báo Thanh niên đưa tin, chiều 9/4, ông Trần Quốc Huy, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân (Phú Yên), cho biết hiện tượng lạ mặt đất trào bùn nước tại thôn Tân Vinh, xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) đã ngừng phun trào vào khoảng 15h cùng ngày, không gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản cho người dân xung quanh.

"Miệng phun này không phun trào liên tục mà diễn ra ngắt đoạn. Để đảm bảo an toàn, tránh trường hợp người dân hiếu kỳ đến gần miệng phun, địa phương đã mở rộng diện tích rào chắn, bố trí lực lượng trực 24/24 tại hiện trường, nếu phát hiện nguy hiểm sẽ chủ động sơ tán người dân khu vực gần đó", ông Huy cho biết thêm.

Cũng trong sáng 9/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Yên đã tiến hành khảo sát, lấy mẫu bùn để phân tích và đang đợi kết quả.

Bùn phun lên theo vết nứt ở Phú Yên. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Bùn phun lên theo vết nứt ở Phú Yên. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Theo báo Sức khỏe và Đời sống, trước đó, ngày 8/4, UBND xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) đã có báo cáo về hiện tượng bùn phun trào từ lòng đất lên mặt ruộng trồng sắn của người dân trên địa bàn xã, thu hút sự quan tâm của người dân. Theo đó hiện tượng xảy ra trên phần đất nông nghiệp tại thôn Tân Vinh (xã Xuân Sơn Nam), do ông Nguyễn Văn Lợi (72 tuổi, người dân địa phương) làm ruộng trồng sắn.

Tại đây, một dòng bùn nước mịn màu vàng nhạt liên tục trào lên từ lòng đất, tạo thành khu vực trào bùn rộng khoảng 5m. Xung quanh vị trí này cũng xuất hiện nhiều vết rạn nứt trên mặt đất. Hiện vẫn chưa xác định được độ sâu của điểm trào bùn cũng như nguyên nhân chính xác của hiện tượng.

Qua nắm tình hình từ người dân địa phương, khoảng 46 năm trước khu vực này cũng từng xuất hiện hiện tượng trào bùn tương tự. Khi đó đã có đoàn chuyên môn đến khảo sát, tuy nhiên không rõ kết quả.

Do tính chất lạ thường của sự việc, nhiều người dân hiếu kỳ đã kéo đến khu vực này để quan sát. Trước tình hình đó, UBND xã Xuân Sơn Nam đã nhanh chóng dựng rào chắn bằng dây phản quang, cắm biển cấm và phát đi cảnh báo đề nghị người dân không đến gần khu vực trào bùn để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.

Theo TS Nguyễn Trung Hiếu, chuyên gia về địa chất, dải đất miền Trung nước ta liên quan đến nhiều đứt gãy hoạt động. Các quá trình nhiệt dịch của khí, nước, nhiệt tại các đới sét hóa tạo các vòm áp suất cao, đẩy các khói bùn lên trên mặt đất, không liên quan đến động đất. Ở Rumani có các núi lửa bùn nóng phun lên nhưng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống.

Theo nhận định ban đầu thì đây là núi lửa bùn, một hoạt động địa chất bình thường. Chuyên gia cho biết tại Khánh Hòa có hàng chục điểm có hoạt động tương tự từ năm 1994 đến nay, có điểm hiện vẫn đang hoạt động nhưng với mức độ nhỏ hơn.

Chuyên gia cho biết, kiểu hoạt động này giống như một túi khí bùn. Khí metan cùng bùn sẽ đi theo vết nứt, khi nào lượng khí metan hết thì bùn cũng không còn trào lên nữa. Tuy nhiên khả năng lặp lại trong tương lai là rất cao. Loại bùn này ít có giá trị sử dụng, không dùng để làm than được vì đây là bùn sét trương nở.

Theo Phương Uyên/doisongphapluat.com.vn
Link bài gốc

Xem thêm phản hồi...