/

Nhìn thẳng-Nói thật: Thói phô trương kệch cỡm

08:51 25/10/2024
18 lượt xem

Phô trương nghĩa là phô bày ra cho người ta thấy, để lấy tiếng, lấy oai một cách thô thiển, không phù hợp với chuẩn mực văn hóa.

Chuyện phô trương trong xã hội thời nay xuất hiện ngày càng nhiều, đa dạng với nhiều đối tượng trong xã hội, nhất là những người thường được gọi là “đại gia”. Có đại gia đã bỏ ra cả trăm cây vàng để dát vàng cho... nhà vệ sinh. Dù rằng những người giàu có dùng đồng tiền như thế nào, mua gì là quyền của họ, không ai có quyền ngăn cấm, nhưng xem xét từ góc độ tâm lý, đạo đức xã hội thì những đồng tiền đó nếu được san sẻ cho những người đơn côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin hay những người dân ở vùng đất bị thiên tai tàn phá... có lẽ sẽ ý nghĩa hơn, nhân văn hơn.

Ảnh minh họa: Báo Người lao động 

Dư luận cũng từng băn khoăn về những chiếc túi xách trị giá hàng tỷ đồng mà các đại gia tặng những cô gái “chân dài” trong giới giải trí liệu giá trị có thực chất đến vậy hay không. Gần đây, dư luận cũng xôn xao có những quan chức đầu tỉnh, đầu ngành nhận “quà tặng” của doanh nghiệp là những thứ hết sức xa xỉ, như đồng hồ đẳng cấp thế giới, xe sang đắt đỏ, gậy chơi golf... với trị giá hàng tỷ, chục tỷ đồng. Trước đó, từng có những “ông quan” cũng được biếu những chai rượu ngoại có giá cả trăm triệu đồng...

Tỷ phú Lý Gia Thành là người giàu nhất Hồng Công (Trung Quốc) với tài sản hàng chục tỷ USD, có sự nghiệp vẻ vang, nổi tiếng với những bài học sâu sắc để đi tới thành công, trong đó điển hình là ông đưa ra lời khuyên đừng phô trương sự giàu có với người khác. Ở xã hội ta thời gian gần đây, ca sĩ Hà Anh Tuấn cũng ghi điểm cộng trong lòng công chúng bởi theo anh, sự giàu có không đến từ những giá trị vật chất mà quan trọng là những điều mình làm được trong cuộc sống. Trong một bài phỏng vấn trên truyền thông, nam ca sĩ bày tỏ: “Dân chơi giờ phải khoe cứu được bao nhiêu người, chứ khoe cái xe, cái túi là lỗi thời rồi”. Nghĩa là anh không theo đuổi sự phô trương, hào nhoáng bên ngoài, mà anh đã dành những đồng tiền chính đáng của mình để san sẻ cho những số phận kém may mắn trong xã hội và tham gia làm những việc thiện nguyện thực chất, thực tâm.

Thời nay, khi kinh tế-xã hội đất nước phát triển, của cải vật chất dồi dào hơn, nhân dân nói chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng không nhất thiết phải sống tằn tiện, kham khổ như thời bao cấp. Tuy vậy, cán bộ, đảng viên, doanh nhân cũng không nên sống xa hoa, phô trương, cách biệt với nhân dân, bởi sống như vậy không chỉ là xa rời những giá trị truyền thống đạo lý cao cả của dân tộc Việt Nam mà còn không phù hợp với đạo đức tốt đẹp của con người.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng từng cảnh báo: Một bộ phận cán bộ, đảng viên sống “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân”. Hiện tượng này do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, có lối sống phô trương kệch cỡm và bị cuốn theo trào lưu sống không lành mạnh.

Rõ ràng, sự phô trương trong xã hội đã và đang diễn ra khá phức tạp ở nhiều thành phần xã hội. Sự phô trương đó không chỉ thô thiển mà đôi khi còn biểu hiện mánh khóe, tinh vi, làm nhương nhiễu đời sống cộng đồng, vì thế rất cần phải phê phán, loại bỏ.

Theo Vũ Viết Xô/qdnd.vn

Link bài gốc

 

Xem thêm phản hồi...