Niềm vui người trồng chè
Năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, thiên tai, bão lũ..., song nhờ áp dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản lượng chè trên địa bàn tỉnh đạt khá cao, góp phần nâng cao thu nhập cho Nhân dân, thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Mùa xuân mới Tân Sửu, những đồi chè ở vùng thượng huyện Hương Sơn đâm chồi, nẩy lộc. Sau những ngày vui tết đón xuân, gia đình anh Phan Đình Nhàn ở xã Sơn Kim II tập trung chăm sóc hơn 1 ha chè. Hàng chục năm cần mẫn gắn bó, cây trồng này đã không phụ công người chăm bón, mỗi năm mang về cho gia đình anh nguồn lợi kinh tế lớn.
Đồi chè của gia đình anh Phan Đình Nhàn ở xã Sơn Kim II
Những năm gần đây phong trào trồng chè liên kết giữa người dân, doanh nghiệp không ngừng phát triển. Trong đó, riêng tại Xí nghiệp chè Tây Sơn có trên 400 ha chè trồng liên kết đang sinh trưởng, phát triển tốt. Với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân về giống, phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt là bao tiêu sản phẩm, cây chè thực sự trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nơi đây.
Diện tích Chè ngày càng được mở rộng...
Theo thống kê, Hà Tĩnh hiện có khoảng 2.500 ha chè, trong đó có hơn 1.000 chè liên kết, tập trung chủ yếu ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh. Thị trường tiêu thụ chè chủ yếu là xuất khẩu sang các nước Trung Đông. Để nâng cao giá trị sản phẩm, tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), việc xây dựng thương hiệu chè, đảm bảo yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt của thị trường EU là yếu tố đặc biệt quan trọng.
Sản phẩm chè đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt của thị trường EU
Mùa xuân mới này người trồng chè vui mừng phấn khởi, tự hào với những thành quả lao động của chính mình. Nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm, đón đầu để đưa sản phẩm vào các thị trường mới là mục tiêu, định hướng phát triển cây chè bền vững trên quê hương Hà Tĩnh./.
Văn Chương/HTTV