Thủ tướng Chính phủ dự lễ công bố kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do
Bộ Công thương phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ công bố kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do tại các địa phương năm 2024. Buổi lễ được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại buổi lễ.
Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Bùi Thanh Sơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ công bố.
Nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 hiệp định thương mại tư do (FTA) với hơn 60 đối tác trên thế giới. Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA, trên cơ sở khảo sát thực tế các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, tập trung vào 4 chỉ số thành phần là: Mức độ tiếp cận thông tin về FTA của doanh nghiệp; tình hình tuân thủ các quy định pháp luật từ cam kết FTA; Hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA;
Việc triển khai các cam kết phát triển bền vững tại địa phương… Qua kết quả khảo sát, đánh giá trên 4 chỉ số thành phần, thì tỉnh Cà Mau có tổng điểm cao nhất là 34,9 điểm; tỉnh Quảng Trị có điểm số thấp nhất là 14,49 điểm. Và tỉnh Hà Tĩnh 18,71 điểm.
Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định : Việc đánh giá, công bố kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do là công cụ đánh giá khách quan, toàn diện, giúp Chính phủ, các cơ quan chức năng đo lường mức độ thực thi và tận dụng các FTA của các địa phương; Qua đó, kịp thời nhận diện những điểm nghẽn trong quá trình thực thi các cam kết và đề xuất các giải pháp để công tác chỉ đạo, điều hành chính sách xuất nhập khẩu hiệu quả hơn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực thi có hiệu quả các nguồn lực, các cơ hội từ FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần hiện thực hóa mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế thực chất và hiệu quả. Cùng với đẩy mạnh xuất khẩu thì phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống khác như đầu tư và tiêu dùng; thúc đẩy động lực tăng trưởng mới như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn…/
Theo Hà Vân – Mạnh Hải/HTTV