Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ phát động Phong trào "Bình dân học vụ số"
Chiều 26-3, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số”, do Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Ban chỉ đạo) tổ chức.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó trưởng Ban Chỉ đạo dự, chỉ đạo lễ phát động.
Tham dự chương trình có các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng nêu rõ, Phong trào “Bình dân học vụ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động là một biểu tượng của lòng quyết tâm, ý chí, tinh thần đoàn kết giúp người dân thoát khỏi bóng tối mù chữ, tiếp cận tri thức. Phong trào này vẫn nguyên giá trị khi được Tổng Bí thư Tô Lâm nói về Phong trào “Bình dân học vụ số” với tinh thần rộng mở: “Đây không chỉ là một sáng kiến giáo dục, phong trào “Bình dân học vụ số” còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Tinh thần "Bình dân học vụ số" đang tạo động lực, truyền cảm hứng cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thủ tướng nêu rõ, đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, phát triển mạnh mẽ với động lực chính đến từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chúng ta phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách. Đó là, phổ cập tri thức, công nghệ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn dân, để mỗi người dân Việt Nam đều có thể tiếp cận, sử dụng hiệu quả các loại hình dịch vụ, nền tảng số, trở thành công dân số, góp phần đẩy nhanh tiến trình, thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng cho rằng, phong trào "Bình dân học vụ số" có ý nghĩa to lớn và giá trị nhân văn sâu sắc đối với sự phát triển đất nước. Phong trào thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số thông minh, văn minh và nhân văn; phát huy truyền thống hiếu học, ham học hỏi và tinh thần học tập suốt đời mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc nhở.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện. |
Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, phối hợp hiệu quả của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường đại học Bách khoa Hà Nội và các đơn vị liên quan đã tích cực chuẩn bị tốt cho việc triển khai Phong trào này, cũng như công tác thông tin, tuyên truyền để phong trào được triển khai sâu rộng ngay sau Lễ phát động với tinh thần lấy người dân là trung tâm, chủ thể, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng nhấn mạnh, phong trào "Bình dân học vụ số" phải là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, mệnh lệnh từ trái tim, tư duy thông minh của khối óc và hành động quyết liệt từ mỗi người dân. Phong trào nào muốn sống được cũng đều phải gắn lợi ích của cá nhân với tập thể, của Tổ quốc với người dân. Phong trào muốn thu được kết quả đột phá phải có sự tham gia của toàn dân.
![]() |
Chương trình văn nghệ chào mừng. |
Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện phong trào, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động; chuyển đổi quá trình học tập, rèn luyện và ứng dụng tri thức, kỹ năng số trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người dân; đẩy mạnh cắt giảm chi phí đào tạo, tập huấn; hướng tới miễn phí toàn bộ cho người yếu thế, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tinh thần là “đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người” và với phương châm “Triển khai nhanh chóng - Kết nối rộng khắp - Ứng dụng thông minh”.
Về mục tiêu, Thủ tướng nhấn mạnh, tập trung thực hiện “Một mục tiêu, hai phát huy, ba bảo đảm, bốn nhiệm vụ trọng tâm”. Trong đó, một mục tiêu là phổ cập tri thức, kỹ năng số cơ bản cho mọi người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau. Hai phát huy gồm phát huy tổng thể, có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, của xã hội, của doanh nghiệp và của toàn dân; phát huy truyền thống văn hóa, hiếu học, khát vọng vươn lên của con người Việt Nam, tinh thần học tập suốt đời. Ba bảo đảm là bảo đảm các cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp để triển khai Phong trào thiết thực, hiệu quả; bảo đảm chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh, tính đồng bộ, tính liên kết, tính linh hoạt, không hình thức, màu mè và đúng đối tượng; bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường công khai minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Bốn nhiệm vụ trọng tâm: Nhiệm vụ xây dựng hệ sinh thái học tập số (Phát triển nền tảng học tập số toàn dân, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn); Nhiệm vụ xây dựng cơ chế khuyến khích và tạo động lực học tập (Đưa kỹ năng số vào hệ thống đánh giá lao động, tuyển dụng; ưu đãi cho đối tượng yếu thế; khuyến khích doanh nghiệp tham gia); Nhiệm vụ xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên số (Phát triển đội ngũ giảng viên, tình nguyện viên số; huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên, hội viên tham gia); Nhiệm vụ xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả.
![]() |
Nghi thức phát động phong trào "Bình dân học vụ số". |
Để thực hiện thành công phong trào “Bình dân học vụ số” với những quyết tâm cao, kỳ vọng lớn và với những quan điểm, mục tiêu nêu trên, Thủ tướng đề nghị:
Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt người đứng đầu, cần tiên phong nâng cao năng lực số, thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương và cơ quan, đơn vị mình; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, gắn kết với cải cách hành chính và phát triển kinh tế-xã hội; tạo điều kiện để người dân tiếp cận kỹ năng số, dịch vụ, nền tảng số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.
Hai là, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần tích cực hưởng ứng phong trào. Doanh nghiệp công nghệ giữ vai trò tiên phong, phổ cập kỹ năng số thông qua các nền tảng, dịch vụ và giải pháp phù hợp; đồng hành cùng chính quyền và nhân dân trong công cuộc chuyển đổi số.
Ba là, đẩy nhanh triển khai Đề án nâng cao kỹ năng số, tích hợp kiến thức số và trí tuệ nhân tạo vào giáo dục phổ thông. Đầu tư hạ tầng số, đặc biệt cho vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ thiết bị số cho người khó khăn. Phát huy tổ công nghệ số cộng đồng, cùng các mô hình gia đình số, nông thôn số, thành thị số để lan tỏa kỹ năng số rộng khắp.
Bốn là, giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp xây dựng khung năng lực số và tài liệu phù hợp từng đối tượng. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần được cập nhật, nâng cao kỹ năng số, dùng nền tảng số hiệu quả. Học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức số phục vụ học tập và bảo vệ bản thân, từ đó lan tỏa cho người thân, gia đình. Người lao động biết dùng thiết bị thông minh để tăng năng suất. Người dân dùng biết các dịch vụ số thiết yếu, dịch vụ công trực tuyến an toàn.
Năm là, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp các Bộ: Công an, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Phong trào, báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo Trung ương về kết quả thực hiện; định hướng các cơ quan báo chí đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về phong trào.
Sáu là, phong trào cần gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với các phong trào đang triển khai thực hiện, nhất là phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Phát huy vai trò nền tảng khóa học trực tuyến mở đại chúng (MOOC) đáp ứng số lượng lớn người dân tham gia học tập, cập nhật về chuyển đổi số, kỹ năng số.
Thủ tướng kêu gọi, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân, cơ sở giáo dục, nhà khoa học, tổ chức, cộng đồng cùng chung tay tích cực hưởng ứng phong trào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.
Theo Minh Thành/QDND.VN