Tỷ lệ giải ngân vốn các dự án công trình nông nghiệp đạt thấp
Hôm qua (12/8), đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 của UBND tỉnh về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh.
Năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh được giao làm chủ đầu tư, thực hiện, quyết toán 42 dự án với tổng số nguồn vốn hơn 998 tỷ đồng.
Đến nay, kết quả giải ngân nguồn vốn mới chỉ đạt tỷ lệ 40,4%. Nguyên nhân do một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; thời gian thẩm định phê duyệt một số dự án kéo dài dẫn đến tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch.
Tổ công tác số 1 làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Tổ công tác số 1 và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã rà soát tiến độ từng dự án cụ thể.
Phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt thấp, từ đó đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: So với kết quả giải ngân chung của tỉnh, thì tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh còn đạt thấp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh kết luận buổi làm việc
Trong đó có một số dự án tỷ lệ giải ngân rất thấp, ngoài nguyên nhân khách quan, thì cũng do yếu tố chủ quan như việc lập dự án, thẩm định dự án, công tác phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan chưa hiệu quả..
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án phải tập trung tháo gỡ khó khăn, tồn đọng, rà soát, tìm ra nguyên nhân từng dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân để sớm có phương án xử lý.
Đối với những khó khăn, vướng mắc, cần có văn bản đề xuất cụ thể để UBND tỉnh xem xét, tháo gỡ.
Các thành viên trong tổ công tác của UBND và các sở, ngành liên quan cần tập trung hỗ trợ Ban Quản lý dự án tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng./.
Hà Vân, Thành Trọng/HTTV