Để dạy thêm, học thêm chính đáng
Dạy thêm, học thêm luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của phụ huynh học sinh và dự luận. Theo quy định hiện hành thì việc dạy thêm, học thêm là không khuyến khích và bị cấm ở một số bậc học. Tuy nhiên, trong thời gian qua càng cấm thì việc dạy thêm lại càng nở rộ.
Trước thực tế đó, ngày 22/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm để lấy ý kiến góp ý đến ngày 22/10/2024. Trong đó, nhiều điểm mới đã giúp việc dạy thêm, học thêm có thể thực hiện một cách nghiêm túc, đàng hoàng hơn.
Nhiều điểm mới trong Dự thảo đã giúp việc dạy thêm, học thêm có thể thực hiện một cách công khai
Tại Dự thảo thông tư có một số điểm mới đáng chú ý như: Không cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình; yêu cầu công khai môn học, thời lượng, danh sách giáo viên dạy thêm; quy định thời lượng dạy thêm, học thêm; bỏ quy định học sinh, phụ huynh phải viết đơn tự nguyện xin học thêm, không đề cập việc "không được tổ chức dạy thêm, học thêm ở tiểu học".
Như vậy, so với quy định hiện hành thì dự thảo không còn cấm việc dạy thêm, học thêm. Điều này đã nhận được sự đồng thuận cao từ giáo viên cũng như phụ huynh.
Việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu của xã hội
Theo chia sẻ của các chuyên gia và nhiều thầy cô giáo, bản chất việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu của xã hội. Nó có nhiều ý nghĩa tích cực như giúp bồi dưỡng cho học sinh giỏi, hỗ trợ và củng cố kiến thức cho học sinh yếu. Việc này chỉ tiêu cực khi giáo viên dạy hời hợt trên lớp, đối xử thiếu công bằng giữa các em không tham gia lớp học thêm. Và người làm nghề nào cũng được phép và nên được tạo cơ hội gia tăng thu nhập bằng chính năng lực của mình. Trong dự thảo thông tư cũng đã đưa ra 5 nguyên tắc để việc dạy thêm, học thêm một cách đàng hoàng nhưng tuyệt đối không được ép buộc.
Hiện nay, thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có một số nội dung không còn phù hợp và việc quản lý, thực hiện còn bất cập.
Còn theo Dự thảo mới thì mọi hình thức dạy thêm, học thêm trong hay ngoài nhà trường đều được gắn những yêu cầu điều kiện, nhằm kiểm soát hoạt động dạy thêm một cách chặt chẽ và nghiêm túc.
Dù đang trong quá trình góp ý để từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, dự thảo đã đánh “đúng” và “trúng” vào những tồn tại, bất cập đang hiện hữu trong vấn đề dạy thêm, học thêm nên nhận được đa số sự đồng tình từ dự luận.
Thanh Quý - Trần Khánh/HTTV