/

Nâng cao năng lực cảnh báo, điều hành công tác phòng chống thiên tai

14:39 10/05/2024
87 lượt xem

Những tháng đầu năm 2024, thiên tai đã làm 14 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.

Sáng nay, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2024. 

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lãnh đạo Sở NN&PTNT chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh

Trong năm 2023, cả nước đã xẩy ra trên 5.300 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích. Thiệt hại về kinh tế ước tính trên 9.300 tỷ đồng. Trong đó thiên tai xẩy ra gần 2.000 trận, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của Nhân dân. Nhiều sự cố tai nạn trên biển, sập đổ công trình, sự cố hóa chất, tràn dầu, hỏa hoạn, cháy nổ xẩy ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng hơn so với trước.

Những tháng đầu năm 2024, thiên tai đã làm 14 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.

Hà Tĩnh thường xuyên phải hứng chịu tác động của thiên tai, lũ lụt 

Đối với tỉnh Hà Tĩnh, năm vừa qua, thiên tai đã làm 03 người chết, trên 3.900 nhà ở bị ngập, hơn 700 ha cây trồng bị hư hỏng, hơn 3.600 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; hơn 8ha đất nông nghiệp bị xói lở, vùi lấp. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai.

Phát biểu tham luận về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả với mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Hà Tĩnh thường xuyên phải hứng chịu tác động của thiên tai, lũ lụt gây tổn thất nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân. Với phương châm “Chủ động phòng tránh là chính” và thực hiện tốt công tác “4 tại chỗ”  những năm gần đây, thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn được giảm thiểu, cơ sở hạ tầng thiết yếu được đảm bảo.

Hà Tĩnh đã xây dựng được 56 nhà văn hóa công đồng kết hợp tránh trú bão, lũ...

Hà Tĩnh cũng đã ban hành Nghị quyết 01 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu qua thiên tai, từ nguồn lực xã hội hóa. Đến nay, đã xây dựng được 56 nhà văn hóa công đồng kết hợp tránh trú bão, lũ; hỗ trợ xây dựng trên 5.600 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại do thiên tai với tổng kinh phí trên 500 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí nâng cấp các hồ đập, các vị trí đê điều xung yếu 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai nghiên cứu các giải pháp tổng thể nhằm tăng cường khả năng thoát lũ, giảm thiểu ngập lụt khu vực sông Ngàn Sâu, huyện Hương Khê, hồ Kẻ Gỗ; sớm triển khai các dự án xây dựng các hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí giúp địa phương nâng cấp các hồ đập, các vị trí đê điều xung yếu để đảm bảo an toàn khi có thiên tai xẩy ra.

Kết luận hội nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các Ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương kiện toàn, tổ chức hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định; Đẩy mạnh thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong chủ động phòng chống, thiên tai; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát trước mùa mưa lũ, thường xuyên rà soát các kịch bản phòng chống mưa lũ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra giám sát trước mùa mưa lũ, thường xuyên rà soát các kịch bản phòng chống mưa lũ

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn và các ngành liên quan nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo tính kịp thời và chuẩn xác. Các địa phương cần nâng cao năng lực điều hành, trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếu cứu nạn; Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác khắc phục hậu quả lũ lụt.

Đồng thời, mong muốn các tổ chức quốc tế tăng cường phối hợp, hỗ trợ Việt Nam trong trao đổi thông tin, đào tạo chuyên môn về công tác dự báo, quan tâm đầu tư cơ ở hạ tầng thông qua các dự án; đồng hành với Việt Nam trong công tác phòng chống thiên tai./.

Thanh Huyền – Hà Phương/HTTV

Xem thêm phản hồi...