/

Khi điện thoại thông minh trở nên xấu xí

16:38 26/05/2024
99 lượt xem

Điện thoại thông minh là sản phẩm của thế giới văn minh, thế nhưng trong nhiều trường hợp lại đang được sử dụng theo cách rất kém văn minh, thậm chí là xấu xí, phản văn hóa, vi phạm pháp luật của các Facebooker, Youtuber, TikToker.

Xem thêm: Đừng biến điện thoại thông minh thành công cụ xấu xí

Một trong những hình ảnh gây xôn xao trong thời gian qua đó là hành trình thực hành pháp tu hạnh đầu đà của tu sĩ Thích Minh Tuệ. Một hành trình lẽ ra phải rất yên tĩnh, lặng lẽ, chuyên tâm thì đã bị chi phối bởi những người đi theo xung quanh. Ít thì vài ba chục người, nhiều lên tới hàng trăm, hàng nghìn. Kính trọng có, ngưỡng mộ có, hiếu kỳ có, mê hoặc có và lợi dụng cũng có rất nhiều.

Trên hành trình thực hiện pháp tu hạnh đầu đà, tu sĩ Thích Minh Tuệ đã trở nên nổi tiếng bất đắc dĩ bởi rất nhiều Youtuber, Facebooker, TikToker

Sự lợi dụng dễ thấy nhất đó là các Youtuber, TikToker liên tục bám theo, quay phim, chụp ảnh, livestream hành trình tu tập của vị tu sĩ lên các nền tảng mạng xã hội. Từ một người lựa chọn pháp tu hạnh đầu đà vốn cần đến sự yên tĩnh, lặng lẽ, tu sĩ Thích Minh Tuệ vô tình trở thành người nổi tiếng bất đắc dĩ và trong một số cuộc chuyện trò chính ông cũng đã khuyên nhủ mọi người không cần đi theo, không cần cổ xúy và nhất là không cần quay phim chụp ảnh.

Hành động livestream hoặc quay phim, chụp ảnh để đưa lên mạng xã hội của các Facebooker, Youtuber, Ticktoker….ngoài mục đích lan tỏa, cập nhật tin tức được nhiều người quan tâm thì còn có việc kiếm tiền từ các nền tảng. Tiền sẽ về càng nhiều nếu lượt tương tác càng lớn. Vì lý do này mà nhiều người đã trở nên bất chấp. Bên cạnh sản xuất các nội dung số nhảm nhí, phản cảm, nhiều người còn livestream các sự kiện tế nhị, nhạy cảm một cách quá đà.

Tại đám tang của nghệ sĩ Vũ Linh cách đây 1 năm, nhiều Youtuber, TikToker đã tranh giành từng không gian để livestream, phá vỡ sự nghiêm cẩn của tang trường

Như mới đây, trong đám tang của nghệ sỹ Vũ Linh, rất nhiều Facebooker, Youtuber, Ticktoker chen lấn xô đẩy để livestream bất chấp sự đau thương của người nhà và bất chấp sự nghiêm cẩn của tang trường. Rất nhiều, rất nhiều những sự phản cảm như vậy đã tạo nên một sự xấu xí trong cách sử dụng điện thoại và cách sản xuất, chuyển tải những sản phẩm được gọi là nội dung số.

Việc sở hữu một kênh mạng xã hội với nhiều lượt theo dõi và lượng tương tác cao không chỉ góp phần giúp chủ tài khoản thuận lợi trong việc kiếm được nhiều tiền mà còn có được sự ngưỡng mộ của cư dân mạng. Theo đó nhiều người đổ tâm, đổ sức xây dựng nên những video chất lượng, sáng tạo góp phần quảng bá văn hoá, con người, chuyện lạ, chuyện đẹp ở khắp mọi miền đất nước. Nhưng cũng có rất nhiều video nhảm nhí, gây sốc, giật tít câu view, thậm chí xuyên tạc, bịa đặt. Ở một chiều hướng khác, tâm lý đăng tải hình ảnh, video, livestream các sự kiện, hoạt động với nhiều người còn là cách để đánh bóng bản thân, thể hiện sự chảnh choẹ, khoe mẽ trên các nền tảng xã hội.

Khi mạng xã hội đang trở thành nơi để thể hiện bản thân hoặc là công cụ kiếm tiền, thì cuộc đua câu view ngày càng trở nên tấp nập và quyết liệt. Không phủ nhận sự lan tỏa của các video hình ảnh nhảm nhí, xấu độc đã ảnh hưởng, thậm chí chi phối đến tâm lý, văn hóa ứng xử, cách thức nhìn nhận sự kiện hiện tượng của rất nhiều thành viên xã hội. Cùng với đó là sự phiền toái bởi rất nhiều tình huống dở khóc, dở cười. Đơn cử như việc tìm một không gian yên tĩnh, lặng lẽ ở quán cà phê nhưng vô tình lại bị livestream lúc nào không hay. Rồi khi đi du lịch, ăn uống cùng bạn bè cũng bị quay phim chụp ảnh đưa lên mạng…Có những cuộc tụ họp bạn bè, tiktoker, youtuber, Facebooker cứ thế dí điện thoại vào livestream, bất chấp người trong cuộc có đồng ý hay không.

Luật Dân sự, Luật an ninh mạng và một số bộ luật liên quan đều có những quy định cụ thể về bảo vệ quyền cá nhân. Chẳng hạn điều 38, Luật Dân sự nêu rõ: “người dân được phép ghi hình mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ trong hai trường hợp: một là, hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hai là, hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”. Đối chiếu với quy định này: thì việc livestream các hoạt động cá nhân để kiếm tiền hoặc mưu cầu sự nổi tiếng là hoàn toàn vi phạm.

Trong thực tế khá nhiều TikToker, Youtuber, Facebooker đã bị xử lý, xử phạt theo các cấp độ khác nhau. Không nói đâu xa, tại Hà Tĩnh năm 2023, cơ quan chức năng đã phát hiện, xác minh, tiến hành làm việc 93 trường hợp, trong đó xử phạt hành chính 43 trường hợp. Từ đầu năm 2024 đến nay đã gọi hỏi 68 trường hợp, xử phạt 30 trường hợp về hành vi đăng tải các nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số các sai phạm ở nhiều cấp độ khác nhau trên các nền tảng.

Điện thoại thông minh và các nền tảng mạng xã hội vốn dĩ chỉ là công cụ.  Vấn đề là mỗi người sự dụng công cụ với mục đích như thế nào để lan tỏa các giá trị tốt đẹp cho bản thân và cộng đồng mới là điều quan trọng.

Trở lại câu chuyện về "hiện tượng mạng" Thích Minh Tuệ. Vị tu sĩ này đang bất đắc dĩ trở thành đối tượng khai thác của rất nhiều nhà sản xuất nội dung trên mạng xã hội. Hành trình tu tập của ông sẽ chuyên tâm hơn rất nhiều nếu không có những chiếc điện thoại suốt ngày quay chụp trên đường bộ hành.

Và hẳn không chỉ mỗi tu sĩ Thích Minh Tuệ mà có không ít cá nhân đang bị làm phiền bởi vấn nạn quay phim, chụp ảnh, livestream.

                                                                                                              Linh Thủy/HTTV

Xem thêm phản hồi...