/

Giúp việc gia đình – Liệu đã là một nghề?

11:02 23/02/2024
61 lượt xem

Đầu năm nhiều gia đình ở đô thị loay hoay khi người giúp việc về Tết không trở lại. Đó chỉ là một hệ lụy trong rất nhiều hệ lụy từ cách ứng xử thiếu chuyên nghiệp.

Cuộc sống cư dân đô thị vốn bận rộn và cấp tập. Nhiều người, nhất là người trẻ thường hướng ngoại nên ít có thời gian chăm lo công việc gia đình. Thêm nữa đời sống của cư dân phố thị ngày càng cao, dẫn đến nhu cầu phải có người giúp việc. Từ thực tế này dẫn đến một loại hình công việc mang tên Giúp việc gia đình và đã được thừa nhận trong Bộ luật Lao động năm 1994.

Chưa tìm được giúp việc ưng í, chị Nguyễn Thị Huyền Trang (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) phải tự xoay xở việc nhà

Năm 1998, giúp việc gia đình chính thức được thừa nhận là một nghề với Mã số 9131, được xếp vào nhóm lao động giản đơn. Năm 2007, nghề giúp việc gia đình được công nhận trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa giúp việc gia đình phải có các tiêu chuẩn cụ thể về điều kiện hành nghề, sự ràng buộc về quyền lợi và trách nhiệm. Thế nhưng trong thực tế, tất cả chỉ ràng buộc với nhau bằng thỏa thuận miệng, ký kết với nhau bằng “niềm tin”. Đây chính là nguồn cơn dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho cả 2 bên.  

Người giúp việc và người sử dụng giúp việc không quan tâm đến các điều kiện bắt buộc như sức khỏe, tay nghề, đạo đức, chế độ lương thưởng, thời gian lao động… là một thực tế, và nếu quan tâm thì gần như không được đáp ứng.

Cùng với sự phát triển của xã hội, số lượng người giúp việc hiện nay khá lớn

Hiện nay rất khó để tìm thấy những người giúp việc đã qua đào tạo, có chứng chỉ hành nghề. Việc môi giới thường thông qua mối quan hệ cá nhân hơn là đến từ các Trung tâm môi giới việc làm chuyên nghiệp. Bản thân người giúp việc cũng không sẵn sàng ký vào các giấy tờ pháp lý.

Cùng với sự phát triển của xã hội, số lượng người giúp việc hiện nay khá lớn. Trong khi một số cơ sở đã thực hiện khá tốt việc đào tạo giúp việc cho các đơn hàng nước ngoài thì với thị trường nội địa đang là vấn đề bỏ ngỏ. Ở một phương diện khác, cơ quan quản lý lao động cũng chưa đề cập đúng mức đến lực lượng đông đảo và quan trọng này, dẫn đến sự lỏng lẻo trong mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động với người lao động.

Tết Nguyên đán đã trôi qua nhiều ngày, thế nhưng rất nhiều gia đình còn nháo nhác bởi người giúp việc “đến hẹn không lên”

Trong quá trình chờ đợi một sự chuyển động đồng bộ cả về mặt quản lý, lẫn kiến thức, nhận thức, hiểu biết pháp luật của tất cả các bên thì trong một chừng mực nhất định, mỗi gia đình phải biết cách tự dung hoà, sắp xếp, tránh tâm lý ỷ lại, trông chờ vào người giúp việc để rồi bức bối, thất vọng vì sự đỏng đảnh của người giúp việc.

Tết Nguyên đán đã trôi qua nhiều ngày, thế nhưng rất nhiều gia đình còn nháo nhác bởi người giúp việc “đến hẹn không lên”. Một hệ lụy trong rất nhiều hệ lụy khó tránh khỏi khi mà các bên liên quan đều ứng xử thiếu chuyên nghiệp dù đã được công nhận là một ngành nghề chuyên nghiệp. Rõ ràng để chấm dứt tình trạng đỏng đảnh từ người được thuê giúp việc, hay tâm lý lo âu phấp phỏng từ người thuê giúp việc rất cần một sự ràng buộc về mặt pháp lý và cơ chế lương thưởng rõ ràng./.

Thục Anh/HTTV

Xem thêm phản hồi...