/

Khi lao động “đến hẹn không lên”

09:49 01/03/2024
40 lượt xem

Tết Nguyên đán đã trôi qua khá nhiều ngày, thế nhưng đến nay nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ở các đô thị vẫn chưa thể hoạt động một cách bình thường do người lao động chưa trở lại. 

Câu chuyện này đang làm đau đầu chủ các doanh nghiệp những ngày sau Tết. Nhà hàng Lương Sơn Quán ở đường Nguyễn Huy Oánh, thành phố Hà Tĩnh dù đã đưa ra hàng loạt điều kiện hấp dẫn như lương thưởng cao, cam kết hợp đồng lâu dài, được đóng bảo hiểm xã hội, được bao ăn hai bữa và có chỗ ở, nhưng đến nay vẫn chưa thể tìm đủ số lượng nhân viên cần thiết.

Theo chia sẻ của anh Phan Bá Khiêm - quản lý nhà hàng, thì sau Tết nhiều nhân viên không trở lại làm việc đã đẩy nhà hàng vào tình thế khó. Nếu vận hành hết công suất thì không đủ nhân lực để phục vụ, còn nều cắt giảm thời gian, phòng bàn thì sẽ lại mất khách.

Anh Phan Bá Khiêm - quản lý nhà hàng Lương Sơn Quán chia sẻ về những khó khăn khi lao động chưa đến làm việc

Thiếu hụt lao động trong ngành dịch vụ vào thời điểm sau Tết Nguyên đán được xem là tình trạng chung tại các cơ sở kinh doanh ở các đô thị. Như tại thành phố Hà Tĩnh, dọc theo các con phố kinh doanh thời trang, ẩm thực như Xuân Diệu, Nguyễn Du, Lê Duẩn, không khó để bắt gặp các bảng thông tin tuyển nhân viên.

Thông báo tuyển nhân viên cũng là một trong những loại hình thông báo được đăng tải liên tục trên mạng xã hội trong thời điểm này. Nhu cầu nhân viên chủ yếu ở độ tuổi từ 18-30. Mức lương dao động trên dưới 5 triệu đồng mỗi tháng. Nhiều cơ sở còn tuyển nhân viên bán thời gian hoặc thời gian làm việc phụ thuộc vào nhân viên.

Một số còn đưa ra những điều kiện sinh hoạt hấp dẫn cho người lao động như bao ăn uống, phụ cấp tiền xăng xe… nhưng để tìm được nhân sự đáp ứng được yêu cầu là không hề dễ dàng.

Phải khẳng định rằng: rất nhiều lao động làm trong ngành dịch vụ thường chỉ coi đây là công việc tạm thời, giải quyết thu nhập trước mắt, do đó khi xuất hiện cơ hội khác là lao động sẵn sàng bỏ việc.

Thường thì sau Tết, nhiều lao động tìm thấy cơ hội mới từ việc giới thiệu, kết nối của bạn bè người thân, nên đã không trở lại với công việc cũ. Ngoài ra tâm lý trễ nải theo kiểu “tháng giêng là tháng ăn chơi” cũng đã khiến cho nhiều lao động có tâm lý dềnh dàng, đủng đỉnh.

Đó là nguyên nhân trực tiếp từ phía lao động, còn về sâu xa vẫn là sự tùy tiện, lỏng lẻo trong mối quan hệ lao động. Rất nhiều lao động làm trong ngành dịch vụ, nhất là trong các nhà hàng, các cơ sở kinh doanh hầu như không có hợp đồng lao động.

Người lao động và chủ sử dụng lao động không chịu những ràng buộc pháp lý cả về quyền lợi lẫn trách nhiệm. Điều đó dẫn tới tình trạng thích thì làm, không thích thì nghỉ.

Xem thêm: Nói thách - Điểm trừ của chợ truyền thống

Rõ ràng việc các lao động trễ hẹn, trì hoãn công việc hay tự ý nhảy việc, chuyển việc sau Tết đã gây ra nhiều xáo trộn cho hoạt động kinh doanh. Một sự ràng buộc về quyền lợi và trách nhiệm thông qua các hợp đồng pháp lý do vậy là điều hết sức cần thiết trong các mối quan hệ lao động, bao gồm cả lao động trong khối dịch vụ, nhà hàng.

Chỉ có như vậy mới không dẫn đến tình trạng thời vụ trong sử dụng lao động và cả người sử dụng lẫn người lao động không thể tùy ý xâm hại quyền lợi lẫn nhau./.

Trần Huyền/HTTV

Xem thêm phản hồi...