Kiểm tra thế nào cho phù hợp?
Tháp tùng đoàn công tác của cấp trên kiểm tra thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị cơ sở, tôi thấy nhiều vấn đề cần bàn. Sau bản báo cáo của đơn vị với những lời cảm ơn xã giao, không hề có kiến nghị nào khác ngoài việc bày tỏ sự đồng tình với những chủ trương, chính sách của trên ban hành.
Nghe vậy, trưởng đoàn kiểm tra yêu cầu đơn vị cơ sở trình bày những vấn đề còn vướng mắc, nảy sinh trong quá trình công tác. Với không khí cởi mở, gần gũi và cách điều hành của đồng chí trưởng đoàn, không ít vướng mắc đã được cấp dưới trình bày.
Sở dĩ còn biểu hiện như trên là do đơn vị cơ sở ngại báo cáo, bởi trước đó đã được cấp trên trực tiếp chỉ đạo "báo cáo trong phạm vi đã được quán triệt".
Ảnh minh họa/ tuyengiao.vn
Thực tế thời gian qua có tình trạng không ít cuộc kiểm tra khác nhau, cơ sở kiến nghị nhiều vấn đề bất cập nhưng không được giải quyết, dẫn đến cấp cơ sở chán, không muốn đề xuất.
Mặt khác, nếu phản ánh không đúng nội dung đã định hướng sẽ bị cấp trên đánh giá về nhận thức của cấp dưới không được quán triệt, giáo dục đầy đủ. Nếu phản ánh đúng sẽ bị quy vào khả năng thực hiện nhiệm vụ, nội bộ có thể có vấn đề.
Bên cạnh đó, có cấp trên đi kiểm tra theo tính chất động viên, “tiền hô hậu ủng”, hứa nhưng không thực hiện, không dám chịu trách nhiệm trước lĩnh vực công tác được phân công, nên cấp cơ sở ngại kiến nghị.
Thực tiễn cho thấy, kiểm tra, giám sát vừa là chức năng lãnh đạo vừa là phương thức lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Việc kiểm tra thường xuyên, định kỳ sẽ giúp duy trì kỷ luật, nhắc nhở các đơn vị cơ sở thực hiện đúng quy định.
Qua đó tạo sự răn đe đối với những hành vi vi phạm, để các đơn vị cơ sở có ý thức chấp hành pháp luật cao hơn. Tuy nhiên, việc kiểm tra quá nhiều dẫn đến tình trạng kiểm tra qua loa, không sâu sát, không phản ánh, giải quyết được những vấn đề cơ sở cần, không kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.
Ngoài ra còn gây phiền hà, tốn kém thời gian, công sức, ngân sách nhà nước cũng như của các đơn vị. Kiểm tra nhiều nhưng không thiết thực, hiệu quả thì cơ sở cũng ngại và không muốn kiến nghị, phản ánh.
Để kiểm tra cho đúng, cho phù hợp, từ đó giải quyết được những vấn đề thực tiễn nảy sinh, các cấp kiểm tra cần thể hiện thái độ cởi mở, lắng nghe ý kiến đóng góp và phải có biện pháp giải quyết dứt điểm những kiến nghị, vướng mắc từ cơ sở.
Quá trình chuẩn bị cần xác định rõ mục đích và yêu cầu của mỗi đợt kiểm tra để quyết định nội dung, số lượng đoàn kiểm tra phù hợp. Việc kiểm tra cần được thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm khách quan, công bằng và hiệu quả.
Đối với những lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao, có thể có nhiều đoàn kiểm tra với chuyên môn khác nhau, song cần phối hợp chặt chẽ để không chồng chéo, trùng lặp trong công tác kiểm tra, tránh gây phiền hà cho các đơn vị cơ sở.
Theo Vũ Duy Hiến/QĐND.vn