Ngoại ngữ vẫn là rào cản
Những ngày qua, dư luận xã hội có nhiều ý kiến khác nhau về thành tích của đội tuyển Olympic Toán quốc tế. Năm nay, thành tích của đội tuyển không được như ý khi xếp thứ 33, tụt 26 bậc so với hạng 7 của năm 2022.
Theo lý giải của những thầy giáo tham gia đoàn hoặc từng tham gia dẫn dắt các đội tuyển thì có nhiều nguyên nhân dẫn tới thành tích không tốt của đội tuyển năm nay, trong đó có việc thí sinh của chúng ta không giỏi ngoại ngữ nên đã làm bài bằng tiếng Việt, sau đó các thầy giáo phải dịch lại cho Ban giám khảo trong thời gian rất ngắn nên kết quả không tốt. Đây là điều hết sức đáng tiếc.
Các em trong đội tuyển đi thi quốc tế là những học sinh tiêu biểu của quốc gia, nhưng lại chưa thể làm bài bằng ngôn ngữ quốc tế.
Điều đó cho thấy việc đào tạo học sinh theo hướng hội nhập quốc tế chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ngoại ngữ vẫn là rào cản, trở ngại lớn đối với nhiều người Việt Nam trên con đường chinh phục những cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại.
Không có khả năng ngoại ngữ tốt thì học sinh của Việt Nam không thể hấp thụ được kho tri thức, thông tin đồ sộ của nhân loại; nhân lực của Việt Nam cũng khó có thể trở thành nhân lực chất lượng cao quốc tế.
Theo xếp hạng của Tổ chức giáo dục quốc tế EF (Education First), mức độ thông thạo tiếng Anh của người Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp (đạt 505 điểm, trong khi mức trung bình là 500-549 điểm). Điều này nên được nhìn nhận để từ đó ngành giáo dục và đào tạo có giải pháp hữu hiệu.
Ảnh minh họa: thanhnien.vn
Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại. Do nhu cầu bức thiết từ ngoại ngữ nên trong xã hội ngày nay cũng xuất hiện hiện tượng quá đề cao ngoại ngữ mà coi nhẹ các môn học khác.
Có những trường đưa ra tiêu chí điểm Tiếng Anh TOEFL, TOEIC, IELTS... là tiêu chí hàng đầu để tuyển sinh mà coi nhẹ điểm những môn học khác. Đây cũng là một biểu hiện lệch lạc, bởi mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta là hội nhập quốc tế nhưng phải giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Thực tế cho thấy, một người dù giỏi ngoại ngữ nhưng thiếu kiến thức nền, phông văn hóa kém thì giá trị của người ấy cũng rất nhạt nhòa.
Ngoại ngữ là công cụ để con người thích nghi với môi trường mới. Coi nhẹ việc dạy-học ngoại ngữ, hoặc quá đề cao việc dạy-học ngoại ngữ mà lơ là việc dạy các môn học khác đều là những cách đào tạo thiên lệch.
Chúng ta đào tạo công dân để đủ tiêu chuẩn hội nhập toàn cầu, nhưng công dân ấy vẫn là công dân Việt Nam, chứ không phải đào tạo ra những con người lạ lẫm với văn hóa con người Việt Nam.
Nghĩa là con người mà sự nghiệp giáo dục và đào tạo chúng ta hướng tới phải vừa giỏi chuyên môn, vừa có ngoại ngữ để sử dụng được, có phông văn hóa và kiến thức nền tốt, nhất là vẫn phải mang bản sắc, văn hóa con người Việt Nam.
Muốn đạt được mục tiêu ấy chắc hẳn không có cách nào khác là phải học thực chất, dạy thực chất. Học là để làm việc, để làm người. Tạo nên giá trị thiêng liêng ấy, trách nhiệm trước hết thuộc về những người làm trong ngành giáo dục và đào tạo.
Theo Mai Dương Lâm/QĐND.vn