/

Quấy rối tình dục – im lặng liệu có phải là vàng?

10:15 05/05/2024
89 lượt xem

Im lặng trong nhiều trường hợp được ví là vàng, nhưng im lặng trong các vụ việc, sự cố liên quan đến quấy rối tình dục thì chưa bao giờ là một giải pháp hữu hiệu.

Xem thêm: Quấy rối tình dục - im lặng hay lên tiếng?

Trong những ngày qua, dư luận một lần nữa dậy sóng trước sự việc người đứng đầu Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam bị tố giác có hành vi quấy rối tình dục đồng nghiệp nữ. Là người nổi tiếng nên vị giám đốc Công ty Nhã Nam dĩ nhiên sẽ càng trở nên tai tiếng hơn sau sự cố. Cho dù trong thực tế hành vi quấy rối tình dục tương tự không phải là chuyện hiếm gặp.

Hành vi quấy rối tình dục có thể xảy ra mọi nơi mọi lúc. Đó có thể là cơ quan công sở, trường học, bệnh viện, đó cũng có thể là trên xe buýt, tàu điện, trong các không gian công cộng, vui chơi giải trí…

Hành vi quấy rối tình dục có thể xảy ra mọi nơi, mọi lúc, theo nhiều tính chất và mức độ khác nhau 

Theo các chuyên gia: quấy rối tình dục không chỉ là những hành động sàm sỡ, xâm hại, mà còn là những hành vi phi ngôn ngữ như lời nói,  tin nhắn, ánh mắt, gây tổn thương khó chịu cho người trong cuộc. Đó cũng có thể là những cuộc mặc cả, đổi chác, thậm chí là đe dọa để tấn công tình dục. 

Theo nghiên cứu của Tổ chức Action Aid, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam từng bị quấy rối tình dục từ lời nói khiếm nhã cho đến hiếp dâm lên đến 87%. Con số này thậm chí còn cao hơn một số nước thường xảy ra tình trạng xâm hại tình dục phụ nữ như Ấn Độ, Campuchia và Bangladesh. Còn theo một khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thì 78,2% nạn nhân bị quấy rối tình dục là nữ giới. Đáng lo ngại hơn: 50% nạn nhân nữ chưa từng tiết lộ cho ai biết việc mình bị quấy rối.

Ở một quốc gia luôn đề cao giá trị truyền thống, coi những sự cố liên quan đến tình dục và quấy rối tình dục như là những đề tài đàm tiếu thì việc nhiều nạn nhân âm thầm chịu đựng, không dám lên tiếng cũng là điều dễ hiểu.

Trên phương diện pháp luật, mức xử phạt cho các hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm người khác theo quy định của Nghị định 144/2021 dù đã được nâng lên từ 2-3 triệu đồng, nhưng vẫn được đánh giá là chưa đủ sức răn đe, chưa tương xứng với những tổn thất tinh thần của các nạn nhân bị quấy rối tình dục.

Thêm nữa, việc xử lý các vụ việc rất khó bởi liên quan đến chứng cứ và phân định chứng cứ. Thường thì cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi các vụ việc có dấu hiệu phạm tội rõ ràng, nghiêm trọng, có yếu tố gây nguy hiểm như cưỡng dâm, hiếp dâm. Điều đó dẫn tới tâm lý e ngại tố cáo bởi có tố cáo thì cũng không hẳn đã được giải quyết trong khi điều tiếng đến với bản thân là gần như chắc chắn.

Chính vì những lý do trên đây mà không ít nạn nhân đã phải "ngậm đắng nuốt cay", hay tặc lưỡi, nhắm mắt cho qua. Đối tượng thì biện minh "đùa một chút”, “vui một chút”, còn những người xung quanh thì tặc lưỡi, thậm chí mỉa mai " chuyện bé xé ra to". Chính sự vô tâm, thiếu hiểu biết của những người liên quan đã gieo bao nỗi đau, sự kiệt quệ về tinh thần, thể xác cho nạn nhân. Thậm chí đẩy không ít người đến cảnh cạn cùng bế tắc, với suy nghĩ tiêu cực.

Theo các chuyên gia thì trước khi cần đến sự bảo vệ của cơ quan pháp luật, bản thân mỗi người phải biết xây dựng  “lá chắn” để bảo vệ chính mình. Lá chắn bắt đầu từ việc tìm hiểu, bổ sung kiến thức để nhận biết các hành vi, dấu hiệu và tình huống, hoàn cảnh có thể xảy ra nguy cơ quấy rối tình dục, nhất là đối với nữ giới. Cùng với đó, mỗi người cần có kỹ năng ứng phó khi đối phương bắt đầu manh nha với những lời nói khiếm nhã, nhạy cảm.  Nếu có thể phải ghi lại hình ảnh, âm thanh để làm bằng chứng…Và trên tất cả đó là phải biết tự lên tiếng, tự bảo vệ chính mình trước nạn quấy rối tình dục.

Im lặng trong nhiều trường hợp được ví là vàng, nhưng im lặng trong các vụ việc, sự cố liên quan đến quấy rối tình dục thì chưa bao giờ là một giải pháp hữu hiệu. Nạn nhân càng im lặng, kẻ xấu càng được nước lấn tới. Rồi nữa, càng im lặng, đối tượng sẽ càng có điều kiện nhởn nhơ để làm thêm điều xấu.

Để phá vỡ im lặng, bên cạnh sự vào cuộc nghiêm minh của các cơ quan bảo vệ pháp luật, còn cần đến một cái nhìn rộng lượng, chia sẻ từ phía dư luận xã hội, nhất là những người xung quanh. Đó cũng là cách để mỗi người tự mình chung tay xây dựng một trật tự xã hội lành mạnh, văn minh.

                                                                                                                    Hải Thuận/HTTV

Xem thêm phản hồi...