/

Sử dụng sản phẩm thú rừng- liệu có vô can?

17:35 14/05/2024
86 lượt xem

Pháp luật Việt Nam có nhiều quy định về xử lý đối với hành vi săn bắt, giết mổ động vật quý hiếm, thế nhưng hành vi tiêu thụ, sử dụng lại chưa có chế tài. Liệu đây có thể là một bất cập dẫn tới tình trạng săn bắt, buôn bán động vật rừng trái phép vẫn diễn ra phổ biến?

Xem thêm: Sử dụng sản phẩm thú rừng - liệu có vô can? 

Tại Hà Tĩnh không khó để tìm thấy những nhà hàng chuyên bán thịt rừng như vậy. Có những nhà hàng công khai treo biển, có những nhà hàng được mặc định trong sự nhận biết của thực khách. Một số cơ sở thậm chí còn rao bán sản phẩm động vật rừng trên mạng xã hội.

Song hành với việc tiêu thụ động vật rừng phổ biến, thì các vụ vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép thì cũng diễn ra thường xuyên và những vụ bắt giữ được khẳng định chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Với quan niệm: con gì càng quý, càng hiếm thì càng tốt cho sức khỏe, nhiều người đã tìm kiếm thực phẩm từ động vật hoang dã

Khảo sát về tiêu thụ thịt động vật hoang dã do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên thực hiện vào năm 2021 cho thấy: khoảng 90% thú rừng bị săn bẫy trái phép tại Việt Nam được tiêu thụ qua kênh nhà hàng, quán nhậu. Cũng theo khảo sát này thì số lần tiêu dùng thịt động vật hoang dã của một khách hàng trung bình lên tới 7 lần 1 năm.

 Đáng nói hơn trong tâm lý xã hội còn tồn tại quan niệm: con gì càng quý, càng hiếm thì càng tốt cho sức khỏe, càng thể hiện sự đẳng cấp, sang chảnh của người dùng. Vậy là động vật hoang dã, quý hiếm cứ thế trở thành món nhậu trên bàn ăn của thực khách.

Nhu cầu cao sẽ đòi hỏi nguồn cung lớn. Hệ lụy là tình trạng săn bắt, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã quý hiếm tiếp tục diễn ra theo cách này hay cách khác.

 Pháp luật hiện hành có nhiều quy định về xử lý đối với hành vi săn bắt, giết mổ động vật quý hiếm như Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Hình sự và nhiều văn bản hướng dẫn liên quan…Nghị định 35/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp đã đưa ra mức phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm quy định về săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép động vật quý hiếm. Trong khi đó, hành vi tiêu thụ đầu cuối, tức là khách hàng ăn thịt thú rừng lại hầu như chưa có chế tài.

Thời gian qua một số địa phương hoặc tổ chức đã phát động các phong trào nói không với tiêu thụ động vật hoang dã. Chẳng hạn cách đây 3 năm, tỉnh Ninh Bình đã phát động phong trào cán bộ công chức, viên chức không tiêu thụ chim trời. Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2024, một chiến dịch truyền thông về giảm cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã do Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tổ chức tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Quảng Trị, Quảng Bình. Thông điệp kêu gọi của chiến dịch đó là: “con người có cặp, thú rừng có đôi – Ngừng ăn thịt thú, góp thiện cho đời”.

Không phủ nhận sự chuyển biến về ý thức từ các phong trào và các chiến dịch truyền thông kiểu như thế này trong đời sống xã hội, nhưng để thay đổi hành vi, thói quen thì sẽ phải cần đến những ràng buộc mạnh mẽ hơn về mặt pháp lý.

Thống kê của các tổ chức bảo vệ thiên nhiên cho thấy: Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ nhiều thịt rừng và các sản phẩm khác từ động vật hoang dã. Điều đó đã làm sụt giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã quý hiếm trong tự nhiên.

Để bảo vệ đòi hỏi một giải pháp đồng bộ từ tuyên truyền vận động đến thực thi pháp luật. Vậy phải chăng việc ngừng ăn thịt thú rừng nói riêng và sử dụng các sản phẩm từ thú rừng quý hiếm nói chung không nên chỉ dừng lại ở các cuộc vận động, các chiến dịch truyền thông mà phải được xử lý nghiêm bằng các quy định của pháp luật?

                                                                                                                   Kiều Sương/HTTV

Xem thêm phản hồi...