/

Trượt một kỳ thi

09:58 10/07/2024
85 lượt xem

Trên con đường học tập, có những kỳ thi mang tính ngã rẽ như thi vào lớp 10 THPT, thi đại học, cao đẳng. Do vậy việc dồn tâm sức, thời gian, sự kỳ vọng cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề là thi thì có đỗ có trượt. Và nếu trượt một kỳ thi thì liệu cánh cửa tương lai đã khép lại?

Xem thêm: Làm gì nếu trượt một kỳ thi?

Gần 10 năm trước, mọi thứ dường như sụp đổ với anh Đào Mã Thân, khi nhận được tin không đậu vào trường đại học theo nguyện vọng. Phải mất một thời gian để lấy lại sự cân bằng, anh khăn gói vào Thành Phố Hồ Chí Minh để theo học nghề tạo mẫu tóc.

Anh Đào Mã Thân (áo trắng) chủ 2 salon tóc trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh

Bằng sự mềm mại khéo léo trời cho vào đôi tay, và trên hết là bằng sự nhẫn nại, rèn luyện, cuối cùng anh đã trở thành nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp.

Hiện Đào Mã Thân đang là chủ của 2 salon tóc nổi tiếng tại thành phố Hà Tĩnh, với gần 30 nhân viên. Nghề tạo mẫu tóc không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn thỏa mãn được niềm đam mê, mang đến nhiều giá trị tích cực trong cuộc sống.

Trượt một kỳ thi Đại học nhưng anh Đào Mã Thân trong câu chuyện trên đây lại vượt qua nhiều kỳ thi khác trong cuộc đời để thành công.

Đó có thể là những kỳ thi cụ thể trong quá trình học nghề, nhưng đó cũng là sự chiến thắng bản thân trong cách quan niệm nghề nghiệp, hay là sự ưu trội trong cuộc cạnh tranh trên thương trường để chọn cho mình những lối đi riêng…

Cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác sẽ mở ra, đó là nguyên tắc. Điều quan trọng là tâm thế bước tiếp như thế nào?

Như bạn Nguyễn Thị Nhung là một ví dụ. Sau khi kết thúc THPT, Nhung đã đăng ký nhiều nguyện vọng tại các trường đại học tốp đầu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng rồi nguyện vọng đã không thành hiện thực, buộc chị phải lựa chọn theo ngành giáo dục Tiểu học, tại trường Đại học Hà Tĩnh.

Chị Nguyễn Thị Nhung trao đổi với phóng viên

Nỗi buồn trong giai đoạn đầu là không tránh khỏi, thế nhưng càng theo học Nhung càng thấy yêu thích với sự lựa chọn của mình. Nhờ vậy thành tích học tập của chị luôn thuộc tốp đầu, ngoài ra còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kết thúc. Trên cơ sở điểm thi tốt nghiệp, các trường đại học, cao đẳng chuẩn bị công bố điểm chuẩn. Lẽ dĩ nhiên sẽ có người đỗ, người trượt, người được vào nguyện vọng như mong muốn, người phải miễn cưỡng chấp nhận lựa chọn phương án 2, phương án 3.

Thế nhưng nếu không đỗ nguyện vọng 1, nếu không vào đại học, cao đẳng thì mọi việc cũng không phải đã kết thúc. Sẽ còn nhiều bậc học, ngành học chờ đón, hay thậm chí không theo đuổi nghiệp học thì cuộc đời vẫn mở ra vô số cơ hội và những cuộc sát hạch để tồn tại, phát triển thì vẫn liên tục đồng hành.

Có một thực tế hiện nay là rất nhiều người đang phải chịu áp lực thi cử. Những áp lực có thể đến từ chính bản thân, nhưng cũng có những áp lực từ phía gia đình, nhà trường.

Học sinh luôn được dạy kiến thức và phương pháp để kiếm tìm điểm số cao nhất thế nhưng việc rèn luyện bản lĩnh, khả năng thích ứng để các em mạnh mẽ, chủ động hơn trong mọi tình huống lại chưa thực sự coi trọng.

Điều đó giải thích vì sao sau mỗi kỳ thi không thành công, nhiều bạn trẻ lại rơi vào trạng thái bi quan, chán nản, thậm chí tuyệt vọng, tìm đến những hành động liều lĩnh, buông xuôi. 

Đỗ trong một kỳ thi nghĩa là đã vượt qua được một phép thử và hẳn nhiên đó là một thành công. Nhưng chặng đường học tập và chặng đường cuộc đời phía trước vẫn còn rất nhiều kỳ thi mà không phải khi nào người trong cuộc cũng vượt qua. Rồi nữa ngay cả khi vượt qua kỳ thi thì đó cũng không hẳn đã là sự lựa chọn đúng đắn.

Năm nào Bộ Giáo dục và Đào tạo và các viện nghiên cứu cũng đưa ra những con số đáng lo ngại về việc định hướng nghề nghiệp của giới trẻ. Chẳng hạn như hơn 60% sinh viên năm nhất không hiểu mục đích của ngành mình theo học; 70% cảm thấy không thỏa mãn với nghề đã chọn; 30% muốn thi lại; thậm chí 20% sinh viên ra trường cảm thấy mình đã chọn sai nghề...

So với áp lực khi nhận ra chọn sai nghề, thì chuyện không đỗ một kỳ thi đại học, cao đẳng nào đó xem ra chỉ là chuyện nhỏ. Trong cuộc sống có đủ các kiểu kỳ thi, vấn đề là mỗi người có sẵn sàng đón nhận hay không?

Nếu chẳng may trượt một kỳ thi, và đó là kỳ thi quan trọng như thi vào lớp 10 THPT hay thi vào đại học hẳn nhiên là sẽ rất buồn, nhưng buồn không có nghĩa là bầu trời sập xuống.

Điều quan trọng của mỗi người đó là phải trang bị đủ kiến thức, chuẩn bị mọi tình huống, và tìm hiểu đủ thông tin để sẵn sàng làm một người trưởng thành, dám chịu trách nhiệm với quyết định của mình./.

Hải Thuận/HTTV

Xem thêm phản hồi...