/

Đãi cát tìm hạt vi nhựa ở Australia

15:26 22/04/2021
463 lượt xem

Một tay cầm xoong, một tay đãi cát dọc bờ biển dường như là hành động bất thường ở Australia. Thế nhưng với những người hoạt động vì môi trường, điều này lại không có gì lạ khi họ dần trở thành những “nhà khoa học công dân”, với nhiệm vụ đãi cát tìm hạt vi nhựa – vốn là nguyên nhân gây hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe và môi trường sống của con người.

Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế lại khó khăn. Các nhà hoạt động phải đợi thủy triều dâng cao nhất để phát hiện rác thải nhựa trôi nổi trước khi bắt đầu đãi cát tìm hạt vi nhựa.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ cuộc khảo sát của Chương trình Đánh giá Hạt vi nhựa của Australia, qua đó giúp thu gom hạt vi nhựa trên hàng trăm bãi biển và nâng cao nhận thức toàn dân.

Theo Ông SCOTT WILSON – Giám đốc dự án nghiên cứu đánh giá hạt vi nhựa thì  "Có bằng chứng cho thấy chúng ta đang hít thở và hấp thụ hạt vi nhựa mỗi ngày. Chúng tồn tại trong nguồn nước, trong các đồ ăn, và thậm chí cả trong các loài sinh vật biển. Rất đáng quan ngại"

 Ước tính khoảng 12 triệu tấn rác thải nhựa thải ra đại dương mỗi năm. Nhựa không phân hủy sinh học, mà theo thời gian vỡ thành những mảnh nhỏ hơn, gần như không thể quan sát bằng mắt thường, dễ dàng trôi theo dòng nước và phát tán rộng, ảnh hưởng tới các loài sinh vật biển.

 Trước những hạn chế về nhận thức liên quan mối nguy hại của hạt vi nhựa, giới khoa học đang không ngừng nỗ lực thu thập số liệu để nâng cao hiểu biết cộng đồng, từ đó đưa ra các giải pháp ngăn chặn.

Theo TTXVN

 

Xem thêm phản hồi...