/

Nỗi niềm của những người trông coi di tích

08:27 02/08/2021
804 lượt xem

Hà Tĩnh có 86 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và trên 500 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản ấy có phần đóng góp không nhỏ của những người ngày đêm bảo vệ di tích. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân hầu hết những người đang làm nhiệm vụ này đang còn những băn khoăn.

7 năm qua, ông Nguyễn Văn Đào - người đảm nhận trông coi Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình Hội Thống, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân. Công việc của ông Đào là bảo vệ, trông coi di tích và hương khói vào những ngày rằm, mùng 1. Tuy nhiên, mỗi tháng ông chỉ được nhận 300 ngàn đồng. Trong đó 100 ngàn là xã hỗ trợ để hương khói và 200 ngàn đồng là chế độ bảo vệ. Chế độ này nhận tại huyện, 6 tháng chi trả cho ông một lần.

Từ năm 2006 đến nay, qua nhiều lần thay đổi chế độ từ 60 đến 200 ngàn đồng nhưng ông Trần Xuân Mại vẫn đảm nhận việc hương khói và trông di tích lịch sử quốc gia chứng tích tội ác chiến tranh trường cấp 2 Hương Phúc, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê. Tâm huyết, nhiệt tình nhưng số tiền ít ỏi được hưởng, ông Mại cũng không khỏi chạnh lòng.

Năm 2013, UBND tỉnh có Quyết định 27, quy định việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, với những di tích lịch sử cấp quốc gia không có Ban quản lý chuyên trách, và không có nguồn thu thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ cho người bảo vệ với mức 200 ngàn đồng/di tích/tháng. Và thế là chế độ cho người bảo vệ tại di tích quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn này. Các địa phương đều thấy như vậy là không đảm bảo nhưng lại chỉ biết trông chờ cấp trên.

Hà Tĩnh có 86 di tích lịch sử quốc gia, trong đó có 75 di tích được hưởng nguồn hỗ trợ theo quyết định 27/2013 của UBND tỉnh. Đây là chế độ rất cần thiết, bởi lẽ bảo vệ là người thường xuyên có mặt để trông coi, quét dọn góp phần giữ gìn, đảm bảo an toàn cho các di tích. Tuy nhiên, các địa phương có di tích chưa có sự quan tâm xứng đáng, hoàn toàn phụ thuộc vào hỗ trợ tỉnh. Trong khi đó cấp tỉnh lại mong muốn địa phương phát huy nguồn xã hội hóa.

Chính quyền cơ sở trông chờ tỉnh nâng nguồn hỗ trợ. Tỉnh lại mong muốn chính quyền cơ sở quan tâm hỗ trợ thêm… Và cứ cấp này mong cấp khác nên chế độ cho người trông coi di tích, vẫn là nỗi băn khoăn, trăn trở. Hiện nay, tỉnh đã ban hành Quyết định 2360 ngày 17/6/2021, quy định tiêu chí hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp đối với các di tích đã được xếp hạng. Vì vậy, thiết nghĩ các địa phương có di tích phải chủ động hơn trong việc quan tâm đến chế độ cho người bảo vệ để cùng chung tay giữ gìn, bảo tồn các di tích cấp quốc gia cũng như các di tích đã được xếp hạng./.

Nguyễn Tâm/HTTV

Xem thêm phản hồi...