Vì sao bỏ quy định về chứng chỉ hành nghề khỏi dự thảo Luật Nhà giáo?
(ĐS&PL) - Theo đại diện Bộ GD&ĐT, quy định chứng chỉ hành nghề giáo viên là nội dung mới, cần phải thận trọng nên Ban soạn thảo không đưa vào dự thảo luật ở thời điểm này...
Dự thảo Luật Nhà giáo bỏ quy định về giấy phép hành nghề giáo viên, sau nhiều ý kiến lo ngại việc này có thể gây tốn kém, tạo ra "giấy phép con". Đây là điểm mới trong dự thảo Luật Nhà giáo, lần thứ 5, dự kiến được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tới (khai mạc hôm 21/10).
Báo VnExpress dẫn lời ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 12/10 cho biết do đây là nội dung mới nên cần thận trọng.
"Ban soạn thảo không đưa vào dự thảo luật ở thời điểm này nhưng sẽ tiếp tục nghiên cứu", ông Đức nói.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo từ năm 2022. Trong dự thảo ban đầu, yêu cầu chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là nội dung quan trọng. Chứng chỉ này được cấp cho những nhà giáo đang công tác, có giá trị sử dụng trong toàn quốc và ở những nước có hợp tác. Còn những giáo viên được tuyển dụng sau khi Luật có hiệu lực, những người không trong biên chế..., kể cả đã tốt nghiệp trường sư phạm, vẫn cần vượt qua sát hạch.
Quy định chứng chỉ hành nghề giáo viên là nội dung mới, cần phải thận trọng... Ảnh minh họa
Ông Vũ Minh Đức cho biết qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và một số ngành/lĩnh vực, ban soạn thảo cho rằng chứng chỉ này sẽ có tác động tích cực, giúp nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo.
Ông nói chứng chỉ giúp phân biệt những người đủ tư cách dạy học với giáo viên "tự xưng" trên mạng. Khi có chứng chỉ, dù dạy học ở đâu, thầy cô cũng không cần tập sự lại; giảm được thủ tục khi chuyển công tác hay đi thỉnh giảng, dạy liên trường...
Liên quan đến việc liệu có phải tất cả giáo viên sẽ cần cấp chứng chỉ hành nghề, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho hay, nhà giáo công lập và ngoài công lập là nhóm đối tượng đương nhiên được cấp chứng chỉ này mà không cần sát hạch.
Đối với nhà giáo tuyển mới sau khi luật có hiệu lực thi hành phải qua kỳ sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề. Đối với các nhà giáo đã về hưu chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu có sức khỏe tốt và minh mẫn, cũng có thể xin cấp chứng chỉ này để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.
"Chứng chỉ hành nghề này sẽ giúp nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, nhằm phân biệt những người đủ tư cách dạy học với người không đủ tiêu chuẩn để dạy học nhưng tự xưng là nhà giáo trên mạng xã hội", báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời ông Đức nói.
Theo Thủy Tiên/QĐND.VN