/

Ấn Độ: Hổ tấn công người gây thiệt mạng, nhiều ngôi làng bị áp lệnh giới nghiêm

07:52 18/04/2023
297 lượt xem

Hàng trăm người dân ở miền bắc Ấn Độ được lệnh không rời khỏi nhà khi trời tối - sau khi có 2 người thiệt mạng vì hổ tấn công.

Banng Uttarakhand (Ấn Độ) mới đây đã áp lệnh giới nghiêm cấm người dân ra khỏi nhà sau 2 vụ hổ tấn công gây chết người.

Lệnh giới nghiêm được chính quyền bang Uttarakhand, miền bắc Ấn Độ, ban bố ngày 16/4. Theo đó, người dân tại hai quận thuộc bang này bị cấm rời khỏi nhà nhà từ 19h đến 6h sáng ngày hôm sau.

Ngoài ra, các trường học trong khu vực cũng sẽ bị đóng cửa trong vòng ít nhất hai ngày.

Quyết định được các quan chức bang đưa ra sau khi ghi nhận hai người thiệt mạng trong các vụ hổ tấn công vào tuần trước, nhưng chưa rõ có phải do cùng một con hổ gây ra hay không.

"Chúng tôi nhận cảnh báo hổ xuất hiện từ hôm 10/4 và đang liên tục theo dõi khu vực. Các nhân viên có vũ trang đã triển khai đến hiện trường. Khu vực này có ít con mồi trong tự nhiên, nên người và gia súc trở thành mục tiêu dễ dàng của hổ", sĩ quan kiểm lâm Swapnil Anirudh nói với AFP.

Giới chức Ấn Độ tuần trước thông báo số lượng hổ trong tự nhiên tại nước này đã lên đến 3.167  cá thể. Tình trạng mất môi trường sinh sống tự nhiên và đô thị ngày càng mở rộng khiến các vụ hổ tấn công người đang xảy ra liên tếp.

Theo thống kê, ít nhất 108 người đã thiệt mạng tại Ấn Độ do bị hổ vồ trong giai đoạn từ năm 2019 đến giữa năm 2021.

Năm ngoái, cảnh sát đã bắn chết một con hổ được mệnh danh là "kẻ ăn thịt người của Champaran" sau khi con vật này đã giết chết ít nhất 9 người ở miền đông Ấn Độ.

Ấn Độ là nơi sinh sống của 75% quần thể hổ toàn cầu. Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, hổ đã mất hơn 93% phạm vi lịch sử trên toàn cầu trong 100 năm qua và hiện chỉ còn tồn tại trong các quần thể rải rác ở 13 quốc gia.

Năm 1900, ước tính có hơn 100.000 con hổ trên khắp hành tinh nhưng con số đó đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 3.200 vào năm 2010. Thời điểm đó, Ấn Độ và 12 quốc gia khác có quần thể hổ đã ký một thỏa thuận nhằm tăng gấp đôi số lượng của chúng vào năm 2022.

Theo Phương Uyên/ĐS&PL

Link bài gốc

Xem thêm phản hồi...