Các đảo quốc kêu gọi COP28 quyết liệt loại bỏ nhiên liệu hóa thạch
Tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), các đảo quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế quyết liệt cắt giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hướng đến năng lượng tái tạo. Các quốc đảo là những nước chịu ảnh hưởng đầu tiên và nghiêm trọng nhất từ tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu của quốc đảo Marshall, Solomon, Samoa và Vanuatu cho rằng để COP28 thành công, các nước cần đưa ra cam kết cắt giảm mạnh nhiên liệu hóa thạch và hướng đến năng lượng tái tạo.
RALPH REGENVANU – Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Vanuatu: “Để COP28 thành công, tôi xin nhắc lại là chúng ta phải loại bỏ được nhiên liệu hóa thạch và trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Các bằng chứng khoa học đã cho chúng ta thấy rằng đây là điều cần thiết để khống chế nhiệt độ không tăng quá 1,5 độ C”.
Hội nghị COP28
Ông John Silk - Bộ trưởng phụ trách Đối ngoại và Thương mại Marshall: “Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận việc hội nghị kết thúc mà không để ra được lộ trình cho tương lai nhằm duy trì nhiệt độ chỉ tăng trong giới hạn 1,5 độ C”.
MELCHIOR MATAKI – Thư ký thường trực Bộ Môi trường Solomon: “Những nước đang chịu các tác động nhiều hơn từ biến đổi khí hậu kêu gọi hành động từ những nước đã và đang có lượng phát thải lớn. Các bạn hãy ngừng sử dụng và phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch”.
Theo Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu, các quốc gia sẽ cố gắng giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C nhằm tránh dẫn đến những tác động không thể đảo ngược. Để đạt được mục tiêu này, thế giới cần phải cắt giảm một nửa lượng khí phát thải toàn cầu vào năm 2030 và về mức 0 vào năm 2050./.
Theo TTXVN