/

Đi lễ đầu năm - Văn hóa của người Nhật

15:13 02/01/2023
201 lượt xem

Giống như ở Việt Nam, người Nhật cũng có tục lệ đi lễ chùa đầu năm, tiếng Nhật gọi là “Hatsumode” , để cảm ơn những gì đã nhận được trong năm cũ và cầu mong những điều tốt lành và bình an trong năm mới. Đây là hoạt động tín ngưỡng có truyền thống hết sức lâu đời ở Nhật Bản, được người dân duy trì kể cả khi đã chuyển sang đón Tết Dương lịch.

Sáng ngày đầu tiên của năm mới, những dòng người đông đúc đổ về đền thờ Meiji Jingu ở Tokyo để cầu nguyện cho một năm 2023 yên vui.

Đây chính là phong tục “Hatsumode”, hay đi chùa đầu năm của người Nhật Bản nhằm để thể hiện lòng cảm ơn đối với những gì tốt đẹp đã nhận được trong năm cũ và cầu mong may mắn và hạnh phúc đến với năm mới.

Người Nhật có rất nhiều những quan điểm khác nhau về thời gian đi chùa đầu năm. Có người cho rằng đi chùa vào đêm giao thừa và 3 ngày đầu của năm mới, có quan điểm lại cho rằng nên đi chùa vào 7 ngày đầu tiên của năm mới. Tuy nhiên, ngày 1/1 là ngày mà những ngôi chùa Nhật Bản tập trung nhiều người đến để thăm viếng nhất.

Tại các ngôi đền thờ thần đạo, những người đến đây đều xếp hàng trong trật tự chờ đến lượt làm lễ, theo phong tục người dân sẽ ném những đồng xu may mắn, đập tay hai lần và cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình và bản thân.

Xin quẻ cũng là một trong những hoạt động không thể thiếu khi đi chùa đầu năm của người Nhật. Họ quan niệm rằng đây chính là những lời tiên đoán cho năm mới của họ.

Bùa hộ mệnh được xem là vật giúp đem lại may mắn cho người nhận. Chính vì vậy những tấm bùa hộ mệnh xin được tại chùa vào mỗi dịp năm mới luôn được người Nhật giữ gìn cẩn thận để cầu mong may mắn đến với họ trong cả năm.

Năm nay, số lượng người nước ngoài đến cầu nguyện cũng tăng lên, vì Nhật Bản đã mở cửa du lịch hoàn toàn cho du khách quốc tế.

Vào 3 ngày đầu tiên của năm mới, những ngôi đền, chùa lớn tại thủ đô Tokyo ước tính đón khoảng 1 triệu lượt khách mỗi ngày.

Theo TTXVN

Xem thêm phản hồi...