Dịch vụ thuê người giúp xin nghỉ việc tại Nhật Bản
Các công ty dưới đây được thành lập để gửi đơn từ chức thay cho nhân viên - những người quá lo lắng khi phải đối mặt với sếp của họ.
Mặc dù truyền thống làm việc trọn đời của quốc gia này đã suy yếu hơn trong những thập kỷ gần đây, người lao động Nhật Bản vẫn ít "nhảy việc" hơn so với người lao động tại các quốc gia khác. Tại đây, những người nhảy việc có xu hướng bị coi là những kẻ "bỏ cuộc" và xin nghỉ việc là điều "đáng xấu hổ".
Chỉ cần nhập từ khóa "taishoku daiko" hoặc "job-leaving agent", các công cụ tìm kiếm lập tức trả hàng loạt kết quả về dịch vụ giúp những người muốn nghỉ việc.
Một công ty tại Nhật Bản có tên là Guardian được thành lập vào năm 2020 để giúp nhiều người muốn nghỉ việc một cách nhẹ nhàng nhất bao gồm những người từng làm việc trong phòng khám, văn phòng công ty cho đến nhân viên cửa hàng tiện lợi hay nhà hàng.
Được biết, khách hàng của công ty chủ yếu là phụ nữ. Một số người làm việc trong một hoặc 2 ngày sau đó phát hiện ra những cam kết về tiền lương hoặc số giờ làm việc không đúng như thông báo tuyển dụng vì thế muốn muốn nghỉ việc để tìm những công việc khác.
Khách hàng sẽ phải bỏ ra 29.800 yên (208 USD), bao gồm tư cách thành viên 3 tháng trong một công đoàn đại diện cho người lao động trong quá trình đàm phán nghỉ việc.
Nhìn chung, khách hàng của Guardian thường làm việc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng có người làm việc cho các công ty lớn. Năm ngoái, dịch vụ của công ty đã tư vấn cho 13.000 người muốn nghỉ việc.
Những người nhảy việc có xu hướng bị coi là những kẻ "bỏ cuộc" và xin nghỉ việc là điều "đáng xấu hổ".
Một số người dùng trên mạng xã hội cho biết, họ không muốn bị coi là kẻ gây rối, họ thậm chí không muốn đặt câu hỏi với quản lý và ngại lên tiếng. Họ có thể sợ bị quấy rối sau khi nghỉ việc. Một số lo lắng về ý kiến của gia đình hoặc bạn bè.
Một người dùng mạng có tên Twichan đã tìm kiếm sự giúp đỡ của taishoku daiko sau khi anh ta bị chỉ trích về thành tích bán hàng, anh chán nản đến mức nghĩ đến việc tự sát. Với sự giúp đỡ của Guardian, người đàn ông này đã có thể nghỉ việc sau 45 phút.
Exit - cũng là một công ty cung cấp dịch vụ trợ giúp xin nghỉ việc. Với mức giá 20.000 yên (khoảng 3,4 triệu VND), Exit sẽ liên hệ với sếp của khách hàng để thông báo về quyết định nghỉ việc của họ. Điều này cho phép nhân viên tránh khỏi mọi cuộc đối đầu với cấp trên.
Ý tưởng sáng tạo này được đưa ra bởi Toshiyuki Niino, một người từng là nhân viên văn phòng và cũng từng nhiều lần xin nghỉ việc. Khi Niino muốn rời bỏ công việc nhàm chán cách đây vài năm, anh nhận thấy bản thân phải lấy hết can đảm để đối mặt với sếp. Quãng thời gian dài làm nhiều công việc khác nhau giúp anh biết rằng không một người sếp nào có thể để nhân viên của mình dễ dàng nghỉ việc.
ông Toshiyuki Niino chia sẻ, "Khi bạn muốn xin nghỉ việc, các ông chủ sẽ luôn làm cho bạn cảm thấy có lỗi. Nếu bạn xin nghỉ khi chưa làm việc đủ 3 năm, họ sẽ có những lời lẽ khiến bạn cảm thấy tồi tệ. Bản thân tôi đã trải qua việc này cách đây vài năm".
Exit - cũng là một công ty cung cấp dịch vụ trợ giúp xin nghỉ việc.
Vì vậy, Exit đã ra đời với vai trò là một công ty khởi nghiệp chuyên thay mặt cho những nhân viên - những người quá xấu hổ khi phải tự mình xin nghỉ việc - cảm thấy "thanh thản" khi từ bỏ công việc đang làm.
Ông Toshiyuki cũng thừa nhận dịch vụ của mình không nhận được nhiều thiện cảm từ các chủ lao động. Tuy vậy, cũng có một số ông chủ cảm thấy vui vẻ khi nhận được những phản hồi trung thực nhất từ người lao động. Thông qua dịch vụ, những nhân viên sắp nghỉ việc có thể bày tỏ ý kiến một cách trung thực với công ty về lý do khiến họ quyết định rời đi.
Trên thực tế, việc ngành công nghiệp "hỗ trợ nghỉ việc" trở nên phổ biến có liên quan mật thiết tới văn hoá làm việc trọn đời, vốn rất phổ biến tại Nhật Bản trong thế kỷ 20. Trong những năm gần đây, văn hoá này đã dần phai nhạt, nhưng người lao động vẫn tỏ ra ngần ngại khi muốn "nhảy việc".
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố năm 2019, thời gian gắn bó trung bình của một người lao động với công ty tại Nhật Bản là 12,4 năm. Con số này ở các nước thành viên khác của OECD chỉ là 10,1 năm.
Theo Như Quỳnh/ĐSPL.com