/

Điều ít biết về truyền thống bắn pháo hoa đón năm mới

10:54 10/02/2024
1951 lượt xem

Truyền thông bắn pháo hoa đón năm mới được cho bắt nguồn từ Trung Quốc và nhanh chóng lan rộng ra thế giới với quan niệm “pháo nổ càng to, chùm pháo càng lan rộng, năm mới càng may mắn”.

Hành trình pháo hoa lan tỏa khắp thế giới

Nhiều nhà sử học cho rằng những quả pháo hoa sơ khai được người Trung Quốc phát minh vào khoảng thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, xuất phát từ việc ném những thân cây tre vào đống lửa, phát ra tiếng nổ nhỏ. Đến thế kỷ thứ 7, quả pháo hoa hoàn thiện đầu tiên được tạo thành bởi kali nitrat, lưu huỳnh và than, đổ vào trong ống tre.

Pháo hoa được sử dụng trong các buổi sinh hoạt văn hóa tập thể, lễ hội của người Trung Hoa nói riêng và người phương Đông nói chung. Ngày nay, bắn pháo hoa đêm Giao thừa trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong khoảnh khắc chuyển giao.

Người ta tin rằng ánh sáng và tiếng nổ của pháo hoa có thể xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo năm cũ. Những quả pháo tỏa sáng, bung tỏa ra không trung còn tượng trưng cho may mắn, bình an được lan tỏa. Những ai thấy quả pháo đầu tiên được bắn lên trời sẽ gặp may mắn trong năm mới. Pháo nổ càng to, chùm pháo càng lan rộng thì năm mới càng thuận lợi, hanh thông.

Pháo hoa ở các nước phương Tây được cho là du nhập từ Trung Quốc vào khoảng thế kỷ 13-15, được sử dụng rộng rãi cho các lễ hội tôn giáo, giải trí công cộng. Những nhà cai trị ở châu Âu thích dùng pháo hoa để "mê hoặc thần dân" và chiếu sáng lâu đài của họ vào những ngày trọng đại. Người Italy là những người châu Âu đầu tiên chế tạo pháo hoa.

Pháo hoa theo những người di cư đầu tiên từ châu Âu sang Mỹ. Theo Americanpyro, vào thế kỷ 18, các chính trị gia cũng sử dụng pháo hoa thu hút đám đông tới buổi phát biểu của họ. Pháo hoa cũng xuất hiện trong ngày Quốc khánh Mỹ. Từ năm 1777, bắn pháo hoa vào tối 4/7 luôn là hoạt động không thể thiếu và trở thành truyền thống suốt hai thế kỷ ở Mỹ.

Ý nghĩa của việc bắn pháo hoa trong năm mới

Theo quan niệm xưa, mọi người sẽ cùng đốt một quả pháo trước buổi tối vào đêm giao thừa được gọi là “bế môn pháo trượng” (đóng cửa đốt pháo). Đến 12h đêm, sẽ dùng tiếng pháo lớn nhằm xua đuổi tà ma. Sau đó vào ngày mùng một, mở cửa nhà ra đốt thêm một quả pháo (mở cửa đốt pháo).

Ông bà ta ngày xưa có quan niệm rằng, khi đốt ba quả pháo thì được gọi là “liên trung tam nguyên”. Ý nghĩa của nó là muốn cầu cho người trong nhà đạt được tam nguyên (thi hương, thi hội, thi đình). Đốt 4 quả được gọi là “phúc, lộc, thọ, hỷ” tượng trưng cho những điều lành, may mắn, thịnh vượng và tuổi thọ. Còn khi đốt chuỗi một trăm quả, để xác pháo phủ đầy cửa nhà sẽ được tiền tài đầy sân.

Bắn pháo hoa trong dịp năm mới không chỉ mang ý nghĩa xua đuổi tà ác, mà còn là sự mong chờ một năm mới thật nhiều bình an và may mắn trong cuộc sống. Khi đến nhà ai chúc Tết khách có thể đốt một dây pháo để cầu may mắn cho gia chủ. Pháo hoa còn xuất hiện trong nhiều dịp quan trọng của người dân như: đám cưới, lễ kỷ niệm, khai trương,...

Ngoài ra, tiếng pháo còn dùng để để dự đoán cho tương lai, nếu như năm mới nhà nào bắn pháo hoa bị xịt hoặc pháo nổ tiếng bé, rời rạc xem như năm đó sẽ không làm ăn thuận lợi, gặp chuyện không như ý.

Tại Việt Nam, 28 năm trước Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 406-TTg về vấn đề cấm sản xuất, buôn bán và bắn pháo hoa. Nhưng đến năm 2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sản xuất và sử dụng pháo.

Trong đó, tại điều 17 của nghị định cho phép các cơ quan, tổ chức và cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự sẽ được sử dụng trong các sự kiện như: lễ tết, đám cưới, sinh nhật, khai trương, hội nghị, ngày kỷ niệm và hoạt động văn hóa văn nghệ.

Theo Phương Uyên/doisongphapluat.com

 

Xem thêm phản hồi...