Tân Hoa xã ngày 8-2 đưa tin, phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Guterres nhấn mạnh, trên phạm vi toàn cầu, hòa bình vẫn là "mảnh ghép còn thiếu" trong bối cảnh xung đột leo thang, sự chia rẽ gia tăng và sự phân cực ngày càng sâu sắc.
Theo ông Guterres, Liên hợp quốc được thành lập với mục tiêu theo đuổi hòa bình. "Hòa bình là lẽ sống của chúng ta. Tuy nhiên, khi nhìn tình cảnh thế giới hiện nay, điều mà tôi thấy thiếu vắng nhất chính là hòa bình", người đứng đầu Liên hợp quốc nêu rõ.
RT dẫn lời Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định, xung đột và chiến tranh tại các khu vực trên thế giới đang tạo ra "một thực tế nguy hiểm và khó lường" cho thường dân vô tội. Đối với hàng triệu người dân ở các khu vực xảy ra xung đột, cuộc sống của họ đang là "địa ngục đói khát, chết chóc hằng ngày".
Ông Antonio Guterres phát biểu trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Ảnh: UN News
Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - một trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc được trao trách nhiệm hàng đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đang "bị bế tắc bởi những rạn nứt địa chính trị". Mặc dù trong quá khứ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã từng chứng kiến sự chia rẽ nhưng tình trạng này hiện nay "ngày càng sâu sắc và nguy hiểm hơn".
Theo RT, trong bài phát biểu của mình, ông Guterres cũng nhấn mạnh tới một thực tế, đó là một số quốc gia đang tìm cách tăng cường kho vũ khí hủy diệt hàng loạt - một động thái "chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn toàn cầu và căng thẳng tại các khu vực". "Sau nhiều thập niên giải trừ vũ khí hạt nhân, các quốc gia đang chạy đua để khiến vũ khí hạt nhân của họ hoạt động nhanh hơn, khó phát hiện hơn và chính xác hơn. Các loại vũ khí này đang được phát triển tràn lan để rồi loài người lại tự hủy diệt chính mình", ông Guterres cảnh báo.
Cảnh báo trên của người đứng đầu Liên hợp quốc được đưa ra trong bối cảnh tạp chí World Population Review ước tính thế giới hiện có khoảng 13.080 đầu đạn hạt nhân, với khoảng 90% trong số này thuộc sở hữu của Nga và Mỹ. Nga hiện sở hữu tổng số 6.257 đầu đạn hạt nhân với 1.458 trong số này đang được triển khai. Mỹ có 5.550 đầu đạn hạt nhân với 1.389 trong số này đang được triển khai. Đứng ở các vị trí tiếp theo là Trung Quốc, Pháp, Anh, Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên.
Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) nhận định, kỷ nguyên giải trừ vũ khí hạt nhân “dường như sắp đến hồi kết” và nguy cơ leo thang hạt nhân đang ở mức cao nhất kể từ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, tổ chức phi chính phủ People's Aid (Na Uy) nhấn mạnh xu hướng gia tăng số đầu đạn hạt nhân “sẵn sàng được sử dụng” bắt đầu xảy ra từ năm 2017; đồng thời cảnh báo nếu xu hướng này không dừng lại, “chúng ta sẽ sớm chứng kiến sự gia tăng lần đầu tiên về tổng số vũ khí hạt nhân trên thế giới kể từ Chiến tranh Lạnh”.
Phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, theo Tân Hoa xã, ông Guterres khẳng định, nếu tất cả các quốc gia thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiến chương Liên hợp quốc, quyền được sống trong hòa bình và phẩm giá của mọi cá nhân sẽ được bảo đảm. Để ứng phó với những vấn đề phức tạp trong một thế giới đa cực hiện nay, người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng cần khôi phục và củng cố các khuôn khổ hòa bình và an ninh toàn cầu.
Ông Guterres nhắc lại sáng kiến “Chương trình nghị sự mới về hòa bình” mà ông đưa ra hồi giữa năm 2023, việc cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, việc cam kết loại bỏ vũ khí hạt nhân, việc tăng cường các nỗ lực ngăn chặn xung đột cũng như các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của cạnh tranh địa chính trị đối với thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu…"Hòa bình vẫn là nỗ lực quan trọng nhất của nhân loại. Hoà bình có khả năng mang lại những điều kỳ diệu mà chiến tranh sẽ không bao giờ làm được", Tổng thư ký Liên hợp quốc kết luận.
Hoàng Vũ/qdnd.vn