Trong tuyên bố mới đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm giảm căng thẳng ở dải Gaza.
Theo UN News, ngày 31-1, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã nhóm họp để thảo luận về tình hình ở Trung Đông trong bối cảnh xung đột ở dải Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Phát biểu tại cuộc họp, ông Guterres nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp để giảm leo thang tình hình và tránh cho khu vực xảy ra thêm bạo lực trước khi quá muộn”.
Ông Guterres cho rằng tình trạng thương vong, di dời, đói khát và đau buồn kéo dài hơn 120 ngày qua ở dải Gaza là “một vết sẹo đối với nhân loại”. Theo người đứng đầu LHQ, các cuộc bắn phá liên tục ở dải Gaza đã dẫn tới hậu quả là nhiều dân thường thiệt mạng và hạ tầng dân sự bao gồm nhà cửa, bệnh viện, trường học... bị tàn phá với tốc độ và quy mô chưa từng thấy trong những năm gần đây. Khẳng định lại các nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế, ông Guterres nhấn mạnh rằng không bên nào trong cuộc xung đột được đứng trên luật pháp quốc tế.
Quang cảnh cuộc họp của Hội đồng bảo an liên hợp quốc về tình hình Trung Đông. Ảnh: UN News
Đề cập đến việc nhiều nước ngừng tài trợ cho Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA), ông Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của UNRWA, đồng thời kêu gọi các quốc gia đảm bảo cho công tác cứu người của UNRWA diễn ra liên tục và thông suốt. “UNRWA là xương sống của mọi phản ứng nhân đạo ở Gaza”, Tổng thư ký LHQ lưu ý.
Về phần mình, phát biểu trước HĐBA LHQ, Phó tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp của LHQ Martin Griffiths nhận định, khổ đau và mất mát đang trầm trọng hơn mỗi ngày ở dải Gaza trong bối cảnh giao tranh vẫn diễn ra ác liệt xung quanh các bệnh viện ở thành phố Khan Younis, đe dọa tính mạng và sức khỏe của hàng nghìn người. Ông Griffiths một lần nữa kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, trong đó có trách nhiệm bảo vệ dân thường và hạ tầng dân sự, cũng như trả tự do ngay lập tức cho tất cả con tin. Ông Griffiths cũng hối thúc các nước thu hồi quyết định ngừng tài trợ cho UNRWA.
Nhiều quốc gia, trong đó có các nhà tài trợ chính như Mỹ, Đức, Anh và Thụy Điển, đã đình chỉ tài trợ cho UNRWA do Israel cáo buộc một số nhân viên của cơ quan này có liên quan tới cuộc tấn công hôm 7-10-2023 của Hamas nhằm vào miền Nam Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã kiên quyết kêu gọi đóng cửa UNRWA. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus lo ngại việc nhiều nước ngừng tài trợ cho UNRWA sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc đối với người dân ở dải Gaza. “Nguy cơ xảy ra nạn đói rất cao và gia tăng mỗi ngày trong bối cảnh khả năng tiếp cận nhân đạo bị hạn chế”, người đứng đầu WHO nhấn mạnh.
Theo cơ quan y tế tại dải Gaza, xung đột Israel-Hamas đã khiến hơn 26.000 người thiệt mạng, hơn 65.000 người khác bị thương, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, khoảng 60% số nhà ở tại khu vực này đã bị phá hủy hoặc hư hại và 75% dân số Gaza phải sơ tán.
Báo cáo mới đây của Cơ quan thương mại và phát triển của LHQ (UNCTAD) đánh giá cuộc xung đột ở dải Gaza đang gây ra mức độ tàn phá chưa từng có đối với nền kinh tế khi GDP hằng năm của dải Gaza đã giảm 655 triệu USD trong năm 2023, tương đương 24%. UNCTAD dự báo Gaza cần nhiều thập kỷ để có thể khôi phục điều kiện kinh tế-xã hội về mức trước xung đột và công cuộc này còn phụ thuộc đáng kể vào viện trợ nước ngoài.
Lâm Anh/qdnd.vn
Link bài gốc