Mô hình trường mẫu giáo trong rừng ở Bắc Âu
Các hoạt động như ngủ ngoài trời dù nhiệt độ thấp, ăn bên bếp lửa, tự giải quyết các vấn đề mà không cần sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, đang là những điểm chính trong chương trình giáo dục tại một số trường mẫu giáo ở nhiều nước trên thế giới. Được gọi là mô hình "trường mẫu giáo trong rừng".
Trèo cây, nếm mưa, nghịch đất và chạy nhảy là một vài những hoạt động phổ biến tại các trường mầm non trong rừng, những ngôi trường nằm ngoài truyền thống, đang được các quốc gia phương Tây ưa chuộng. Các trường trong rừng tại Bắc Âu cho rằng trẻ em cần được giáo dục khác đi, biết chung sống với thiên nhiên và được vận động tự do hơn với mô hình trên.
Tại Đan Mạch và Thụy Điển, những đứa trẻ từ 2 - 6 tuổi thường xuyên được làm quen vớimôi trường thiên nhiên . Các bé sẽ dành hầu hết hoặc ít nhất là một nửa thời gian ở trường để hoạt động trong rừng … mỗi ngày, bất kể trời đẹp hay xấu, mưa hay có tuyết.
Những em bé này không chỉ được dạy yêu thiên nhiên mà còn được chỉ cho cách sống mà không cần các công cụ hiện đại.
Người dân các nước phương Tây nhận ra rằng những đứa trẻ ngày càng “ngại tiếp xúc với thiên nhiên”, chúng chìm đắm trong những trò chơi ảo, những thế giới không thật và theo sau đó là rất nhiều hệ lụy về sức khỏe: bệnh béo phì, chứng căng thẳng tâm lý trong các trường học ... Vì thế các bậc phụ huynh cũng hết lòng ủng hộ mô hình trường học trong rừng.
Ở nước láng giềng của Thụy Điển là Đan Mạch, nhiều trường mẫu giáo dùng xe bus chở học sinh vào rừng hàng ngày.
Giáo viên ở các trường mẫu giáo này đều cùng một nhận xét rằng trẻ bé ở ngoài trời cả ngày độc lập tự tin hơn và ít ốm hơn. Từ những năm 1920, một bác sỹ Iceland đã khuyến nghị để trẻ ngủ ngoài trời sẽ giúp tăng cường sức đề kháng. Cách làm này hiện vẫn phổ biến ở hầu hết các nước Bắc Âu.
Không chỉ tốt cho sức khởe trường học mẫu giáo ngoài trời còn tăng tình đoàn kết giữa trẻ em vì chúng phải giải quyết nhiều việc cùng với nhau và có năng lực tìm giải pháp hơn.
Theo TTXVN