Na Uy trục xuất 15 nhà ngoại giao Nga nghi làm gián điệp
Chính phủ Na Uy mới đây thông báo trục xuất 15 nhà ngoại giao Nga khỏi nước này vì nghi ngờ làm gián điệp.
Hãng tin AP đưa tin, Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt cho biết động thái này là một biện pháp quan trọng để chống lại và giảm phạm vi hoạt động tình báo của Nga ở Na Uy nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia.
Theo đó, những người bị trục xuất phải rời khỏi Oslo trong một thời gian ngắn. Chính phủ Na Uy đồng thời cũng sẽ không cấp thị thực cho các sĩ quan tình báo Nga nếu họ xin thị thực vào Na Uy.
“Chúng tôi không nói đến các nhà ngoại giao thông thường mà là các sĩ quan tình báo dưới vỏ bọc ngoại giao. Các hoạt động của họ là mối đe dọa đối với lợi ích của Na Uy. Chúng tôi đã theo dõi các hoạt động của họ theo thời gian và nó đã gia tăng kể từ khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra”, Ngoại trưởng Anniken Huitfeldt phát biểu tại một cuộc họp báo.
Na Uy trục xuất 15 nhà ngoại giao Nga. Ảnh: Russian Embassy
Tờ VG của Na Uy đã mô tả đây là vụ trục xuất lớn nhất liên quan đến các nhà ngoại giao Nga mà quốc gia này từng đưa ra. Tháng 4/2022, Na Uy từng ra lệnh trục xuất với ba người Nga.
Bên cạnh đó, đây cũng là trường hợp mới nhất về việc một quốc gia phương Tây trục xuất các nhà ngoại giao Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt Ukraine vào năm ngoái. Trước đó, Cộng hòa Estonia, Hà Lan và Áo đã đồng loạt ra lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Theo thống kê, có khoảng 40 nhà ngoại giao Nga hiện đang được công nhận hoạt động tại Oslo. Đại sứ quán Nga tại Na Uy nhận định quyết định của chính phủ nước này là một bước đi cực kỳ không thân thiện và hứa rằng Moscow sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả.
Na Uy là một thành viên của liên minh quân sự NATO và có chung đường biên giới với Nga ở Bắc Cực. Nhiều người lo ngại lệnh trục xuất có thể làm phức tạp thêm quá trình chuyển giao chức chủ tịch Hội đồng Bắc Cực của Nga dành cho Na Uy.
Tuy nhiên, bà Huitfeldt cho biết còn quá sớm để nói liệu lệnh trục xuất có ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi của Hội đồng Bắc Cực hay không. Nước này vẫn tìm cách duy trì quan hệ ngoại giao bình thường với Nga và các nhà ngoại giao Nga khác vẫn được chào đón ở Na Uy.
Theo Phương Uyên/doisongphapluat.com