Năm 2023 thế giới chứng kiến 183 cuộc xung đột khu vực – cao nhất trong 30 năm qua
Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế chỉ ra rằng năm 2023 trên thế giới chứng kiến 183 cuộc xung đột khu vực, con số cao kỷ lục trong một năm trong 30 năm qua.
Hãng thông tấn Tass dẫn thông tin từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh dựa trên nghiên cứu mới nhất cho biết, ít nhất 183 xung đột khu vực đã xảy ra trên toàn cầu vào năm 2023. Đây là con số cao nhất từng được ghi nhận trong suốt 3 thập kỷ qua.
Theo nghiên cứu số nạn nhân tăng 14% trong khi các vụ bạo lực tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. “Điều này cho thấy nhu cầu nhân đạo, ổn định và tái thiết ngày càng cấp bách ở nhiều nơi trên thế giới”, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhấn mạnh.
Đáng chú ý nhất có thể kể đến hai cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và Dải Gaza. Trong năm 2023, Nga - Ukraine tiếp tục giằng co trên nhiều vùng lãnh thổ. Vào đầu năm, phương Tây kỳ vọng chiến dịch phản công của Ukraine có thể phá vỡ sự kiểm soát của Nga ở miền Đông Ukraine và có thể cả bán đảo Crimea.
Giới chức Nga nhiều lần tuyên bố Moscow sẵn sàng đàm phán, với điều kiện Ukraine chấp nhận "thực tế lãnh thổ mới" bao gồm 4 vùng lãnh thổ tại Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập vào năm 2022 và bán đảo Crimea. Ukraine khẳng định chỉ đàm phán khi Nga rút quân và chấp thuận công thức hòa bình do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra.
Trong khi đó, xung đột Israel - Hamas nổ ra hồi tháng 10/2023, sau khi Hamas bất ngờ bắn hơn 2.000 quả tên lửa về phía Israel và bắt giữ hàng loạt con tin đưa về Gaza. Không lâu sau đó, quân đội Israel tuyên bố bao vây Dải Gaza, tạm ngừng nguồn cung điện, nước cho vùng lãnh thổ hơn 2 triệu dân này. Israel cũng triển khai chiến dịch không kích lớn chưa từng có nhằm vào các mục tiêu của Hamas.
Nhờ nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế, hai bên đã thực thi thỏa thuận ngừng bắn bảy ngày, bắt đầu từ ngày 24/11, trao đổi khoảng 320 con tin và tù nhân. Tuy nhiên, giao tranh tái diễn ngay khi thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ. Nguyên nhân gốc rễ của xung đột chưa được giải quyết.
Bên cạnh xung đột tại Đông Âu và Trung Đông, thế giới chứng kiến một số vấn đề nổi bật khác, chẳng hạn, quan hệ Nga-Georgia vẫn còn căng thẳng, tình hình giữa Algeria và Morocco hiện đang xấu đi và khủng bố trong nước leo thang ở Pakistan.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định rằng khủng bố nội bộ, tranh chấp lãnh thổ, sự gia tăng số lượng các nhóm tội phạm và sự cạnh tranh tội phạm được coi là nguyên nhân gây ra xung đột. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng khí hậu cũng làm trầm trọng thêm những bất đồng hiện có ở các quốc gia không ổn định.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế đồng thời chỉ ra rằng xung đột làm xói mòn “khả năng thích ứng và giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu của nhà nước, trong khi chính những tác động đó của khí hậu lại góp phần tạo ra động lực xung đột”.
Phương Uyên/doisongphapluat.com