Ngoại Trưởng Nga nêu điều kiện tiên quyết giúp kết thúc xung đột với Ukraine
Quan chức hàng đầu của Nga cho biết, Moscow có thể đồng ý chấm dứt chiến sự ở Ukraine nếu một điều kiện quan trọng được đáp ứng.
Trong cuộc họp báo gần đây tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết nước này sẽ công nhận biên giới Ukraine vào thời điểm trước khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” được tiến hành nếu đối phương cam kết không tham gia các liên minh quân sự.
“Một trong những điều kiện chính đối với chúng tôi là Ukraine sẽ không liên kết và không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào. Nếu điều kiện đó được đảm bảo, chúng tôi sẽ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này”, ông Lavrovnói về điều kiện chấm dứt xung đột.
Ngoại trưởng Nga đồng thời nhấn mạnh với các phóng viên trong cuộc họp báo rằng, vào năm 1991, Nga đã “công nhận chủ quyền của Ukraine trên cơ sở Tuyên ngôn Độc lập mà nước này đã thông qua khi rời khỏi Liên Xô”.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov xung dột sẽ kết thúc nếu Ukraine cam kết không tham gia các liên minh quân sự. Ảnh: Reuters
Kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức Điện Kremlin đã đưa ra nhiều lý do khác nhau cho việc xảy ra xung đột. Một trong những lý do được đưa ra thường xuyên nhất là Moscow phản đối việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Đông, dọc biên giới Nga. Ông Putin cũng đặc biệt phản đối việc Ukraine trở thành thành viên của khối quân sự này.
Giáo sư Mark N. Katz thuộc Trường Chính sách và Chính phủ Schar nói với Newsweek rằng, tuyên bố về chủ quyền nhà nước năm 1990 của Ukraine thực sự tuyên bố Ukraine là một quốc gia trung lập vĩnh viễn và không tham gia vào các khối quân sự. Vì vậy ông Lavrov có thể đã ngụ ý rằng Moscow sẽ công nhận đường biên giới năm 1990 của Ukraine nếu Kiev từ bỏ tư cách thành viên NATO.
Tuy nhiên, ông Katz cũng nhận định, ngay cả khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đồng ý từ bỏ nỗ lực trở thành thành viên NATO để chấm dứt chiến tranh, Kiev và Moscow nhiều khả năng vẫn chưa thể hòa giải trong vấn đề liên quan đến bán đảo Crimea
“Nếu Nga chỉ muốn chấm dứt chiến sự, họ có thể coi việc ngăn Ukraine gia nhập NATO là một chiến thắng ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải từ bỏ các chính sách của mình đối với lãnh thổ Ukraine. Nhưng tôi không chắc rằng Tổng thống Vladimir Putin có thể làm điều này”, ông Katz nói thêm
Trong khi đó, ông David Silbey - phó giáo sư lịch sử tại Đại học Cornell (Mỹ) đưa ra quan điếm rằng ngay cả khi Nga không sẵn sàng trả lại Crimea cho Ukraine, bình luận của ông Lavrov được hiểu là ông Putin có thể từ bỏ yêu sách của mình đối với các tỉnh Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia.
Bán đảo Crimea sáp nhập lãnh thổ Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào năm 2014. Song, Ukraine và các đồng minh phương Tây lại cho đây là một hành động bất hợp pháp. Chính quyền Tổng thống Zelensky nhiều lần tuyên bố sé giành lại bán đảo cũng như 4 cùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng từ năm 2022.
Theo Phương Uyên/ĐSPL.com