Nước Pháp lại “nóng” về đồng phục học sinh
Ngày 4-9, vào ngày khai giảng năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp Gabriel Attal cho biết, nước này sẽ tiến hành thử nghiệm mặc đồng phục trong trường học vào mùa thu này. Nếu thử nghiệm thành công, Pháp sẽ áp dụng trở lại quy định mặc đồng phục học sinh trong năm học tới.
Vấn đề đồng phục học sinh “nóng” trở lại chỉ sau một tuần Pháp cấm phụ nữ, trẻ em gái mặc áo choàng Hồi giáo abaya trong trường học. Tuy nhiên, quy định này đang nhận được những ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, học sinh mặc đồng phục khi đến trường là cần thiết nhằm tránh đua đòi thời trang, xóa bỏ sự khác biệt xã hội, xoa dịu lòng tự ái và ngăn chặn bắt nạt học đường.
“Bộ đồng phục học sinh có thể xóa bỏ một phần sự khác biệt giữa nghèo và giàu. Về mặt tôn giáo, nếu tất cả học sinh đều mặc cùng một chiếc áo, điều đó sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề!”-Robert Ménard, Thị trưởng thành phố Béziers nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một số người khác cho rằng, “đây không phải là giải pháp thần kỳ có thể giải quyết được mọi vấn đề”. Do đó, theo Bộ trưởng Gabriel Attal , “thử nghiệm luôn hữu ích để thúc đẩy cuộc tranh luận, theo hướng này hay hướng khác”. Hiện một số thành phố, vùng như: Béziers, Perpignan, Alpes-Maritimes, Bouches-du-Rhône đã đồng ý tham gia cuộc thử nghiệm này.
Theo tờ Le Point, năm 1802, Trường trung học Napoleon được thành lập tại Pháp. Ngay sau đó, nhà trường áp dụng các biện pháp kỷ luật giáo dục nghiêm ngặt. Đồng phục lúc đó được coi như điều bắt buộc đối với học sinh, tương tự như việc mặc quân phục trong quân đội. Tuy nhiên, đến năm 1968, một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đã xảy ra trong ngành giáo dục tại Pháp. Chính tại thời điểm này, đồng phục bị loại bỏ gần như hoàn toàn. Chỉ một số ít trường tư thục còn giữ quy định về việc mặc đồng phục.
Học sinh mặc đồng phục ở một trường học của Pháp. Ảnh: linternaute.com |
Trải qua một thời gian dài vắng bóng đồng phục, đến năm 2003, chủ đề đồng phục học sinh “nóng” trở lại trong các cuộc thảo luận chính trị tại Pháp. Xavier Darcos, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp bày tỏ quan điểm ủng hộ việc mặc đồng phục khi cho rằng “việc mặc đồng phục sẽ loại bỏ sự khác biệt về trình độ xã hội và sự phân biệt giàu-nghèo giữa học sinh”. Tuy nhiên, ý kiến của ông khi đó không nhận được sự ủng hộ và ý tưởng về bộ đồng phục chung cho học sinh Pháp đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Theo Thị trưởng Robert Ménard, học sinh ở Pháp cũng giống như hầu hết các nước tại EU hầu như không mặc đồng phục đến trường. Việc ép học sinh mặc đồng phục được coi như hành động vi phạm quyền tự do cá nhân. Vì vậy, trong một thời gian dài, các trường học ở Pháp không hề đề cập tới việc mặc đồng phục.
Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ ủng hộ việc mặc đồng phục tại Pháp tăng lên đáng kể. Người dân Pháp cũng đã bắt đầu cởi mở hơn với việc mặc đồng phục. Ngoài các trường quân sự như Trường quân sự quốc gia Prytanée, các trường trung học quân sự ở Aix, Autun và Saint-Cyr, Trường Sĩ quan Hải quân Brest... thì các cơ sở giáo dục dành riêng cho con cháu của những người được trao Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh cũng có đồng phục riêng cho học sinh. Các vùng lãnh thổ của Pháp ở hải ngoại cũng quy định đồng phục học sinh riêng cho từng trường.
Nếu đồng phục học sinh luôn là vấn đề gây tranh cãi ở Pháp thì tại Anh, quyền lựa chọn thuộc về các trường trung học. Tuy nhiên, 80% trường tiểu học ở Anh đều quy định học sinh mặc đồng phục. Mỗi trường học được quyền lựa chọn mẫu đồng phục của mình. Chi phí dành cho đồng phục tùy vào từng trường, trung bình khoảng 300 euro/năm và có hỗ trợ cho các gia đình nghèo. Theo khuyến nghị của Bộ Giáo dục Anh, việc mặc đồng phục phải mang tính toàn diện nhất có thể. Do đó, học sinh có quyền thể hiện mình thuộc về một tôn giáo nào đó bằng cách đeo một biểu tượng tôn giáo như mạng che mặt.
Ở châu Âu, chỉ có Malta và Síp bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục. Trong khi đó, học sinh ở Đức không phải mặc đồng phục từ thập niên 1980. Ở những nơi khác trên thế giới, đồng phục hiện diện nhiều hơn, đặc biệt là ở châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan; hoặc châu Phi như: Ghana hay Burkina Faso.
Bình Nguyên/qdnd.vn