Số ca nhiễm ở Đông Nam Á tăng 481%, cảnh báo làn sóng COVID-19 mới
Một số quốc gia châu Á đang ghi nhận sự gia tăng các ca mắc COVID-19, đặc biệt số người nhiễm bệnh tại Đông Nam Á trong 4 tuần qua cao hơn 481% so với cùng kỳ trước đó.
Trong thông báo ngày 13/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Số ca mắc mới được ghi nhận trong khoảng thời gian 28 ngày đã giảm ở các khu vực: châu Phi (giảm 45%), Tây Thái Bình Dương (giảm 39%), Bắc và Mỹ Latinh (giảm 33%) và châu Âu (giảm 22%). Tuy nhiên, tỷ lệ mắc COVID-19 tăng lên ở 2 khu vực: Đông Nam Á (tăng 481%) và Đông Địa Trung Hải (tăng 144%)”.
Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh tăng cao nhất được ghi nhận ở Nepal, tăng 1.198% từ 49 lên 636 ca mắc mới. Tại Ấn Độ, số ca mắc mới tăng 937% từ 6.374 lên 66.124 ca và ở Maldives tăng 614% từ 21 lên 636 ca.
Một số quốc gia khác tại châu Á cũng đang ghi nhận sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 mới. Tại Singapore, số ca mắc trong tuần cuối tháng 3 lên tới 28.000, tăng hơn gấp đôi so với con số 14.467 ca của một tuần trước đó.
Số ca mắc COVID-19 tăng trở lại tại nhiều nước châu Á. Ảnh minh họa
Hôm 13/4, Ấn Độ cũng báo cáo ghi nhận thêm hơn 10.000 trường hợp mắc COVID-19 mới trong vòng 24 giờ trước đó, khiến Bộ Y tế nước này phải ban hành các khuyến cáo an toàn.
Mặc dù các bệnh viện và phòng khám chưa ghi nhận số người nhập viện gia tăng, Ấn Độ đã tiến hành các cuộc diễn tập trong tuần này để kiểm tra khả năng sẵn sàng đối phó. Một số bang đã áp đặt các quy định mới về khẩu trang.
Bên cạnh đó, các quốc gia lân cận châu Á như Bangladesh, Nepal, Pakistan, Afghanistan, Iran,… cũng ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 mới.
Kết quả phân tích biến chủng cho thấy làn sóng mới này được thúc đẩy bởi các dòng con của biến chủng phụ XBB của Omicron là XBB.1.5, XBB.1.9 và XBB.1.16.
XBB.1.16 (còn có tên không chính thức là Arcturus) là dòng con mới được chú ý nhất, cũng chính là nhánh SARS-CoV-2 được Ấn Độ xác định là thủ phạm chính của làn sóng mới.
Hầu hết dân số trong khu vực châu Á đã được tiêm phòng hoặc bị mắc COVID-19 trước đó. Chính phủ một số nước khuyến cáo rằng đôi khi có thể xảy ra các đợt dịch mới sau khi thế giới “xoay trục” để sống chung với COVID-19 và dỡ bỏ hạn chế.
Theo Mộc Miên/doisongphapluat.com