Thách thức y tế với quốc gia đông dân nhất thế giới
Với việc trở thành cường quốc về dân hàng đầu, Ấn Độ đang nắm trong tay rất nhiều lợi thế trong cuộc chạy đua về phát triển kinh tế. Bên cạnh đó,quốc gia tỷ dân Ấn Độ sẽ đối mặt với áp lực vô cùng lớn về hệ thống cơ sở hạ tầng, phúc lợi và dịch vụ xã hội thiết yếu như giáo dục và đặc biệt là y tế.
Cô Poonam Gond, mắc bệnh hồng cầu hình liềm . Cuối tháng 3 vừa qua, cơn đau của cô đã ở mức 7/10 và cô dành phần lớn thời gian chỉ ngồi một chỗ. Thuốc điều trị đã hết từ nhiều tuần trước.
Chị Poonam Gond - Bệnh nhân ở bang Chattisgarh, Ấn Độ: “Tôi không thể đi lại nếu không uống thuốc. Tôi luôn phải chịu đau đớn.”
Căn bệnh mãn tính của Gond được phát hiện muộn và cô cũng thường không được tiếp cận với thuốc đầy đủ. Vì cơn đau hành hạ, Gond không thể học tập và làm việc tạo thành một vòng luẩn quẩn khiến cô càng khó được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế.
Chị Poonam Gond - Bệnh nhân ở bang Chattisgarh, Ấn Độ: “Tôi ước mình có thể đi học đại học như những bao người khác và đạt được những cột mốc quan trọng trong cuộc đời.”
Hàng trăm triệu người ở nông thôn Ấn Độ đang không được chăm sóc y tế cơ bản vì một lý do đơn giản: đất nước không có đủ cơ sở y tế. Kể từ năm 1947 đến nay, dân số Ấn Độ đã tăng gấp 4 lần và khiến hệ thống y tế vốn đã mỏng manh nay đã lại càng phải căng mình phục vụ dân số ngày một nhiều hơn.
Ở Chhattisgarh, cứ 16.000 người dân mới có một bác sĩ. Và cũng giống như những vùng nông thôn khác, các miền quê ở Ấn Độ thiếu trung tâm y tế, thiếu nhân lực và đôi khi hết thuốc thiết yếu. Theo đó, hàng triệu người nếu bắt buộc phải nhập viện thì đó là một hành trình khó khăn lên các cơ sở chữa bệnh tuyến trên.
Cô Geeta Aayam - Nhân viên Tổ chức xã hội: “Người dân gặp khó khăn trong việc đi lại. Nhiều nơi xe buýt công cộng không hoạt động trong khu vực của họ. Bệnh nhân phải tự đi xe máy hoặc xe lam để đón xe buýt từ nơi khác đến. Điều này thường xảy ra ở các vùng nông thôn. ”
Không chỉ điều trị bệnh, hệ thống y tế Ấn Độ còn đối mặt với tỷ lệ sinh cao dù các nhân viên y tế đã dùng mọi cách để phổ biến người dân về kế hoạch hóa gia đình.
Chị Pratima Kumari - Nhân viên y tế ở huyện Kishanganj, bang Bihar: “Có rất nhiều quan niệm sai lầm trong người dân, chúng tôi gặp khó khăn trong việc giúp họ hiểu về kế hoạch hóa gia đình. Đây là lý do tại sao tổng tỷ suất sinh ở khu vực này dẫn đầu cả nước”.
Các bác sĩ và y tá làm việc tại bang Bihar thậm chí tặng tiền cho các gia đình đông con để triệt sản. Tuy nhiên, phần lớn đàn ông địa phương kiên quyết từ chối lời đề nghị này.
Devendra Kumar - Cán bộ y tế: “Thành phố Kishanganj đóng một vai trò quan trọng trong dân số Ấn Độ. Chúng tôi đứng thứ 2 về Tổng tỷ suất sinh trong cả nước. Điều này thật đáng tiếc vì đây là huyện nghèo, nếu dân số tăng nhanh như vậy thì sẽ rất khó khăn cho chúng tôi khi nguồn lực có hạn.”
Thêm một nguyên nhân khác đặt thách thức cho ngành y tế Ấn Độ là quan niệm phải sinh con trai khiến nhiều bà mẹ vừa ra khỏi phòng sinh đã lên ngay kế hoạch tiếp tục có bầu, vì em bé vừa sinh ra vẫn là con gái. Hiện hệ thống y tế Ấn Độ đang gánh hai áp lực kìm hãm tỷ lệ sinh và chăm lo cho những người có bệnh. Và khi dân số Ấn Độ ngày một tăng, áp lực này sẽ ngày càng nặng nề hơn.
Theo TTXVN