/

Thế giới vừa trải qua tháng 8 nắng nóng kỷ lục nhất từ trước đến nay

15:19 08/09/2023
142 lượt xem

Tính đến thời điểm hiện tại, năm 2023 là năm nắng nóng kỷ lục thứ hai được ghi nhận, chỉ kém một chút so với năm 2016.

Theo tin thời sự thế giới mới nhất trên Reuters, dữ liệu do Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU) công bố hôm 6/9 cho thấy, mùa hè năm 2023 là mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận.

Nhiệt độ trong khoảng thời gian từ tháng 6 – 8 đã xô đổ các kỷ lục trước đó ở mức chênh lệch lớn,  với nhiệt độ trung bình là 26,8 độ C, cao hơn mức trung bình 0,66 độ C.

EU thông tin, tháng 8/2023 cũng là tháng 8 nóng nhất từ trước đến nay trên toàn cầu, kéo dài chuỗi 3 tháng liên tiếp thế giới ghi nhận nhiệt độ cao chưa từng có. 

Đến nay, tháng 7/2023 vẫn là tháng nóng nhất từng được ghi nhận, trong khi kỷ lục nhiệt độ tháng 8/2023 khiến mùa hè ở Bắc Bán cầu trở thành mùa hè nắng nóng nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi lại vào năm 1940.

Ước tính nhiệt độ tháng 8/2023 nóng hơn khoảng 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp trong giai đoạn 1850 – 1900. Trong khi đó, nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở con số 1,5 độ C là cam kết trọng tâm của Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu quốc tế Paris được 196 quốc gia thông qua vào năm 2015.

“Kỷ lục nhiệt độ toàn cầu tiếp tục bị xô đổ trong năm 2023. Bằng chứng khoa học rất thuyết phục, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều kỷ lục về khí hậu hơn, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn, ảnh hưởng đến xác hội cũng như hệ sinh thái, cho đến khi chúng ta cắt giảm hoàn toàn khí thải nhà kính”, Phó Giám đốc Copernicus Samantha Burgess nói.

Trong tháng 8/2023, Australia, một số quốc gia Nam Mỹ và phần lớn Nam cực ghi nhận nhiệt độ cao hơn mức trung bình. Pháp, Hy Lạp, Italy và Bồ Đào Nha cũng chứng kiến tình trạng hạn hán dẫn đến các đám cháy rừng.

Tuy nhiên, khí hậu lại ẩm ướt hơn bình thường vào tháng 8/2023 ở phần lớn khu vực Trung Âu và Scandinavia, gây ra lũ lụt. Cùng thời điểm, đại dương toàn cầu ghi nhận nhiệt độ bề mặt hàng ngày ấm nhất trong lịch sử.

Reuters thông tin, năm 2023 chỉ còn lại 4 tháng và tính đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là năm nắng nóng kỷ lục thứ hai được ghi nhận, chỉ kém một chút so với năm 2016.

Theo Đinh Kim/doisongphapluat.com

Link bài gốc

Xem thêm phản hồi...