Thủ tướng Latvia bất ngờ tuyên bố từ chức
Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins tuyên bố từ chức do sự đổ vỡ trong quan hệ với đảng liên minh trong chính phủ đa đảng của ông.
Reuters hôm 14/8 dẫn lời Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins thông báo ông sẽ nộp đơn từ chức của bản thân và toàn thể nội các lên Tổng thống Edgars Rinkevics vào ngày 17/8 tới.
Ông nói trong một cuộc họp báo: "Thứ Năm tuần này, tôi sẽ đệ trình đơn từ chức của bản thân và nội các lên Tổng thống”.
Đảng Thống nhất Mới của ông Karins dự kiến lựa chọn ứng viên thay thế vào ngày 16/8. Cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo của Latvia sẽ diễn ra vào năm 2026.
Thông báo được đưa ra vài ngày sau khi ông Karins tỏ ý hy vọng có thể tái cơ cấu chính phủ, trong bối cảnh các đối tác trong liên minh cầm quyền của ông đã bác bỏ phương án thay đổi một số bộ trưởng và điều chỉnh các chính sách ưu tiên mà ông đề xuất.
Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins sẽ nộp đơn từ chức vào ngày 17/8 tới.. Ảnh: RIA Novosti.
Theo Politico, hôm 11/8, ông Karin tuyên bố sẽ giải tán liên minh cầm quyền giữa đảng Thống nhất Mới của ông cùng các đảng Liên minh Quốc gia và đảng AS.
Thủ tướng Latvia đồng thời chỉ trích các đối tác trong liên minh đã "không chịu làm việc vì phúc lợi và tăng trưởng kinh tế".
Quan hệ của Đảng Thống nhất Mới với các đảng liên minh trở nên xấu đi sau khi liên minh này thất bại trong việc đưa ra một ứng cử viên chung trong cuộc bầu chọn tổng thống vào tháng 5 vừa rồi.
Ông Karins cho biết đảng Thống nhất mới của Karins có kế hoạch chọn ứng cử viên cho chức thủ tướng mới vào thứ Tư.
Theo Reuters, Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics có trách nhiệm trao quyền cho ứng viên mà liên minh cầm quyền đề xuất thành lập chính phủ. Ứng viên đó sẽ cần vượt qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội.
Trong cuộc bầu cử quốc hội Latvia hồi tháng 10/2022, đảng Thống nhất Mới của Thủ tướng Karins dẫn đầu với gần 19% phiếu bầu, giành được 26 ghế tại quốc hội gồm 100 ghế.
Latvia là thành viên của cả Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Latvia cùng 2 nước vùng Baltic còn lại là Litva và Estonia có tiếng nói hàng đầu trong việc thúc đẩy EU và NATO gia tăng áp lực với Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Như Quỳnh/doisongphapluat.com