Tiêm kích F-15SA của Arab Saudi gặp nạn, toàn bộ tổ bay thiệt mạng
Một chiếc tiêm kích F-15SA của Arab Saudi đã bị rơi trong lúc thực hiện nhiệm vụ huấn luyện vào ngày 26/7, toàn bộ tổ bay thiệt mạng.
AP đưa tin ngày 27/7, Chuẩn tướng Turki al-Maliki - Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Arab Saudi cho biết, một tiêm kích thuộc phi đội F-15SA của nước này đã gặp nạn, vào lúc 14h28 ngày 26/7, tại khu vực huấn luyện của căn cứ không quân ở thành phố Khamis Mushait, cách thủ đô Riyadh khoảng 800 km về phía Tây Nam.
Vụ việc khiến toàn bộ tổ bay thiệt mạng. Ông Turki al-Maliki không nói cụ thể con số thương vong là bao nhiêu nhưng F-15SA là loại tiêm kích hai chỗ ngồi. Lực lượng Không quân Hoàng gia Arab Saudi sử dụng hàng chục tiêm kích này trong phi đội.
Một cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định nguyên nhân vụ tai nạn.
Tiêm kích F-15SA. Ảnh minh họa
Hiện, Không quân Arab Saudi đã biên chế hàng chục tiêm kích F-15S và hơn 200 chiếc thuộc phiên bản hiện đại hóa F-15SA. Theo đó, quân đội nước này đang là lực lượng sở hữu phi đội F-15 lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Nhật Bản.
F-15S là biến thể dành cho Arab Saudi, được phát triển dựa trên tiêm kích đa năng F-15E cho quân đội Mỹ. Điểm khác biệt chính nằm ở năng lực hoạt động của radar AN/APG-70 trong chế độ chụp ảnh khẩu độ tổng hợp.
Loại tiêm kích này dài 19,4 m, sải cánh 13 m, khối lượng cất cánh tối đa gần 37 tấn, có khả năng mang hơn 10 tấn vũ khí và thùng dầu phụ.
Chi phí của mỗi chiếc F-15S không được công bố, nhưng tiêm kích F-15E nguyên bản có giá xuất xưởng hơn 60 triệu USD, chưa kèm chi phí vũ khí và hậu cần kỹ thuật.
"F-15SA giúp ngăn chặn những kẻ xâm lược tiềm năng bằng cách tăng cường khả năng của lực lượng không quân chiến thuật Arab Saudi nhằm chống lại các mối đe dọa trong khu vực", Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong tuyên bố năm 2010, khi trình quốc hội kế hoạch bán 84 chiếc F-15SA cho Arab Saudi.
Thành phố Khamis Mushait – nơi xảy ra vụ tai nạn - nằm ở tỉnh Asir, giáp với Yemen, nơi Arab Saudi dẫn đầu liên minh quân sự hậu thuẫn chính phủ được quốc tế công nhận chống lại phiến quân Houthi hơn 8 năm qua. Chiến sự ở Yemen đã giảm nhiệt đáng kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn được công bố tháng 4/2022, dù thỏa thuận đã hết hiệu lực vào tháng 10 cùng năm.
Theo Mộc Miên/doisongphapluat.com