/

Dân "ốc đảo" Hồng Lam giữ nghề trồng cói

14:41 29/08/2024
116 lượt xem

Với tổng diện tích 50 ha, cây cói đang mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang 2, huyện Nghi Xuân - nơi được gọi là “ốc đảo” này. Trồng cói chi phí sản xuất thấp, ít rủi ro, thị trường ổn định, cho thu nhập khá. Đây cũng là cây truyền thống, là sản phẩm riêng có của địa phương này.

Hơn 60 năm sinh sống trên “ốc đảo” Hồng Lam, vợ chồng bà Lê Thị Châu đã có 40 năm gắn bó với nghề làm cói. Gia đình bà hiện có trên 5 sào cói, mỗi sào cho năng suất 5 - 7 tạ và mang về nguồn thu trên 30 triệu đồng. Năm nay trời nắng nhiều, không chỉ thuận lợi trong việc thu hoạch, mà sản phẩm cói thành phẩm cũng đẹp hơn, chất lượng và giá trị cao hơn.     

Gia đình bà Lê Thị Châu gắ bó với nghề trồng cói

Thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang nằm giữa dòng sông Lam, bốn bề bao quanh là nước, toàn thôn hiện có trên 160 hộ dân, thì có gần 100 hộ làm nghề cói. Trong tổng số 145 ha đất sản xuất thì có 50 ha cây cói. Đây cũng là cây trồng mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều hộ dân.      

Thôn Hồng Lam có trên 100 hộ dân làm nghề trồng cói

Mặc dù là nghề truyền thống, tồn tại hàng chục năm qua và đã đem lại nguồn thu khá cho người dân, tuy nhiên nghề làm cói ở thôn Hồng Lam cũng chỉ mới dừng lại ở việc sản xuất nguyên liệu nên chưa phát huy hết giá trị của sản phẩm.    

Đồng cói nơi "ốc đảo" Xuân Giang 2

Mỗi năm 2 lần thu hoạch cói, sản lượng tương đối cao, song người dân ở đây vẫn chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm thô. Từ cây cói nếu mạnh dạn học hỏi, đầu tư làm đồ thủ công mỹ nghệ sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động và nâng cao được giá trị của cây trồng.

Tiến Thành, Huy Quế/HTTV

Xem thêm phản hồi...