Tiếng trống Hội xuân
Đã từ lâu, trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, tiếng trống luôn gắn liền với nhiều hoạt động quan trọng của đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, trong các Lễ hội đầu Xuân thì âm thanh rộn ràng của tiếng trống càng chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Gia đình ông Bùi Văn Tráng - Thôn Bắc Thai, xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà có nhiều thế hệ sản xuất trống
Nói đến tiếng trống hay thì không thể không nhắc đến làng trống Bắc Thai ở xã Thạch Hội – huyện Thạch Hà. Điều lý thú ở làng trống này là những người làm nghề đều mang họ Bùi và nhiều hộ gia đình đã có 3 - 4 thế hệ cùng làm trống.... Vẫn là những bước kỹ thuật cơ bản nhưng trống Bắc Thai nổi tiếng bền, đẹp bởi do bí quyết riêng của người làm trống ở vùng đất này.
Ảnh minh họa
Những ngày đầu xuân, tiếng trống luôn rộn ràng, vang vọng khắp các miền quê như mời gọi, giục giã con cháu, du khách tìm về, hòa vào không khí ngập tràn lễ hội mùa xuân… Theo nhịp trống, các trò chơi truyền thống cũng trở nên sôi động, rộn rã hơn… Đặc biệt, với mỗi người dân Việt Nam, dù bất kỳ ở đâu, làm gì nhưng mỗi lần nghe tiếng trống hội đều trào dâng những cảm xúc khó tả và cùng đều hướng lòng mình về với tổ tiên, nguồn cội.
Giá trị văn hóa của tiếng trống hội được kết tinh từ hàng nghìn đời nay, nhờ có tiếng trống, các lễ hội, các trò chơi dân gian như thêm phần rộn rã và được tiếp thêm sinh lực. Tiếng trống cũng được ví như sợi dây vô hình nối quá khứ với hiện tại. Bởi vậy, gìn giữ và phát triển giá trị tiếng trống Hội chính là góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc và xây dựng văn hóa nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa bền vững của đất nước.
Tuệ Trang – Trần Khánh/HTTV