/

Lê Hữu Trác - Hình ảnh cao đẹp của người Thầy thuốc

14:30 24/02/2024
73 lượt xem

Tại phiên họp lần thứ 42 được tổ chức mới đây, UNESCO đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 - 2025”, trong đó có Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Như vậy Lê Hữu Trác trở thành danh nhân thứ 7 của Việt Nam được xướng tên trên toàn thế giới. Ông mất đúng vào ngày Rằm tháng Giêng, lễ tưởng niệm ngày mất Đại danh y đã trở thành ngày hội và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Đua thuyền trên sông Ngàn Phố, thi leo núi Minh Tự, thả diều, hát Sắc bùa, hát Ví, Giặm Nghệ Tĩnh… là những điểm nhấn của Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông được tổ chức vào Rằm tháng Giêng tại các địa phương của huyện Hương Sơn.

Sinh thời, Đại danh y Lê Hữu Trác là người thích tiêu dao, thả diều trên núi cùng các nông phu. Trước khi mất, ông dặn người nhà, diều rơi ở đâu thì táng ở đó. Tương truyền mộ phần của ông trên núi Minh Tự, xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn chính là nơi cánh diều rơi xuống.

Đại danh y Lê Hữu Trác, sinh năm Giáp Thìn 1724, tại xã Lưu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, trong một dòng họ khoa bảng nổi tiếng, nhưng lại dành phần lớn cuộc đời sống tại quê ngoại Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, hành nghề bốc thuốc, chữa bệnh cứu người.

Ông đã sưu tầm, phát hiện hơn 300 vị thuốc nam, tổng hợp thành 2.854 phương thuốc. Riêng cuốn Hải Thượng y tông tâm lĩnh, gồm 28 tập, 66 quyển được xem là  bách khoa toàn thư của y học Việt Nam thế kỷ 18, và sau này được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, đưa vào kho tư liệu. 

Xem thêm: Hàng vạn du khách tham quan Khu Di tích Hải Thượng Lãn Ông

Ngoài di sản đồ sộ về y học, Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác còn là tác giả của nhiều bộ sách quý về văn học, địa lý, tư tưởng.

Việc UNESCO thông qua Nghị quyết cùng kỷ niệm 300 năm sinh cho thấy sự đánh giá cao của quốc tế về những đóng góp to lớn của danh y đối với xã hội, cộng đồng và những giá trị tư tưởng mà UNESCO đang thúc đẩy./. 

Linh Thủy – Mạnh Thức/HTTV

Xem thêm phản hồi...