/

Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh- Một đời cùng câu hát quê hương

15:12 14/02/2024
122 lượt xem

Hơn 30 năm qua, có một người con Hà Tĩnh đã vượt lên mọi khó khăn cách trở, đem hiểu biết, trí tuệ và năng khiếu đặc biệt của mình để lan tỏa làn điệu Dân ca, Ví, Giặm và những câu Kiều đi khắp mọi miền đất nước. Một đời bà gắn bó với câu hát quê hương. Đó là Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh. Sự ra đi đột ngột của bà ở tuổi 70 là mất mát lớn đối với Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và đối với quê hương. 

Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh tên thật là Nguyễn Thị Hồng Vanh, sinh năm 1955 ở xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà. Lớn lên trong một gia đình yêu nghệ thuật, nghệ nhân Hồng Oanh được tắm mình cùng các làn điệu dân ca Ví, Giặm, những lời ngâm Kiều, vịnh Kiều từ cha mẹ… 

Năm 1981, bà vào Nam lập nghiệp rồi sau đó chuyển lên định cư ở TP Hồ Chí Minh, bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội, trở thành thành viên của nhiều câu lạc bộ văn hóa văn nghệ. Giữa ồn ào phố thị với đủ loại hình âm nhạc, bà vẫn lẩy Kiều, hát Dân ca, Ví, Giặm như một lẽ tự nhiên. Được sự ủng hộ của Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh, năm 2016, nghệ nhân Hồng Oanh đã thành lập CLB Dân ca, Ví, Giặm phía Nam, thường xuyên tham gia các chương trình lớn, tạo sức lan tỏa sâu rộng. Với quê hương Hà Tĩnh, bà thường xuyên đi về để tham gia các sự kiện, là cầu nối trong hoạt động văn hóa văn nghệ giữa các nghệ nhân Hà Tĩnh với nghệ nhân các tỉnh thành phía Nam.

Cùng với Dân ca, Ví, Giặm, từ năm 2000, nghệ nhân Hồng Oanh đã sáng tạo và thể nghiệm một thể loại mới, đó là hát thơ Kiều theo phong cách 3 miền. Theo đó cùng một câu Kiều có thể được thể hiện bằng làn điệu then Tây Bắc, quan họ Bắc Ninh, ca trù, dân ca Bình Trị Thiên, hò bài chòi, đờn ca tài tử và dĩ nhiên là cả Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh…       

Cùng với năng khiếu đặc biệt về hát dân ca, nghệ nhân Hồng Oanh còn làm thơ. Bà là tác giả của nhiều tập thơ và là đồng tác giả biên soạn tập thơ “Đường về Xứ nghệ” với 2000 trang sách của hơn 600 tác giả thơ của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh từ thế kỷ 18 đến nay.

Với những đóng góp to lớn cho văn hóa dân gian, năm 2015, bà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Năm 2022 được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, cùng nhiều giải thưởng cao quý khác.  

Bà đã ra đi, nhưng bóng hình của một nghệ nhân tài hoa với những câu hát dân ca, những lời ngâm Kiều trong trẻo mượt mà thì vẫn còn mãi trong tâm trí của bao người./.

                                                             Phan Dung/HTTV

Xem thêm phản hồi...