/

Tết ông Công ông Táo trong tâm thức của người Việt

13:55 02/02/2024
48 lượt xem

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp - theo truyền thuyết đây là ngày ông Táo cưỡi cá Chép lên Thiên đình báo cáo công việc trong một năm qua. Vì vậy, các gia đình đã làm lễ cúng ông Công, ông Táo để bày tỏ lòng biết ơn và mong muốn một năm mới sung túc, bình an.

Theo quan niệm, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo trông coi việc bếp núc. Đây là những vị thần được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian theo dõi, ghi chép những việc trong năm, để đến ngày 23 tháng Chạp, các thần sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình báo cáo những việc tốt, xấu của gia đình. 

Tại các gia đình, lễ cúng thường được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp và vật phẩm không thể thiếu trong ngày lễ này là cá chép. Phần lớn các gia đình thường mua cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cúng, khi làm lễ xong sẽ đem ra sông thả.

Thả cá chép ngày Tết ông Công, ông Táo không chỉ là một nghi lễ tâm linh, là phương tiện cho Táo quân về trời mà còn hướng con người đến những điều thiện, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Ngày ông Táo về trời cũng được xem là ngày bắt đầu của Tết Nguyên đán. Sau ngày này, mọi người sẽ chuẩn bị trang trí nhà cửa để đón Tết cổ truyền của Dân tộc. Cũng theo phong tục, chiều 30 Tết sẽ là thời điểm các gia đình đón ông Táo trở về nhận nhiệm vụ của năm mới./.

Bách Hợp – Lê Vinh – Trần Vũ/HTTV

Xem thêm phản hồi...