/

Có nên “vung tay” trong ngày Tết

14:43 05/02/2024
69 lượt xem

Với suy nghĩ mỗi năm Tết có một lần, nhiều người, nhiều gia đình không ngần ngại mở hầu bao, hào hứng quá đà cho việc mua sắm. Kết quả không chỉ dẫn đến sự lãng phí mà còn gia tăng những áp lực cho công việc ngày Tết.

Tính trung bình từ 25 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng, lượng rác thải mỗi ngày tại thành phố Hà Tĩnh khoảng 190 tấn. Riêng 3 ngày Tết lên tới khoảng 280 tấn. Trong đó rác thực phẩm chiếm khoảng 15%, cao gấp nhiều lần so với ngày thường.

Theo chia sẻ của các công nhân vệ sinh môi trường đô thị: Trong nhiều túi rác được đổ ra sau Tết có những con gà nguyên con, những nẹp bánh chưng nguyên chiếc, những hộp bánh nguyên tem. Điều đó không chỉ gây ra một sự lãng phí lớn cho gia đình, xã hội mà còn làm gia tăng lượng rác thải ngày Tết.

Theo Foodbank Việt Nam - một tổ chức phi lợi nhuận kết nối và chống lãng phí thực phẩm thì người Việt đứng thứ 2 châu Á về sự lãng phí thực phẩm. Cụ thể, 87% số người được hỏi cho biết đã bỏ đi trung bình khoảng 2 đĩa thức ăn mỗi tuần do sự bất hợp lý trong thói quen quản lý thực phẩm.

Mặc dù biết sẽ dư thừa, nhưng các bà nội trợ vẫn lo sắm tết đầy đủ nhất

Sự lãng phí này càng tăng cao vào những dịp lễ, tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Phong tục làm cơm cúng là một nguyên nhân. Nào là cúng tất niên, cúng rước ông bà, cúng giao thừa rồi cúng tân niên, cúng chiêu điện và tịch điện, cúng hóa vàng, cúng thần tài thổ địa…

Có những ngày vừa soạn mâm cúng buổi chiều thì ngay trong đêm lại phải soạn thêm một mâm cúng khác. Dĩ nhiên chẳng ai có thể sử dụng hết thực phẩm sau những mâm cúng liên tiếp như vậy. Cũng phải nói thêm rằng: Ngày tết các bà nội trợ luôn phải chịu áp lực, không mua thì sợ thiếu, mà mua thì chắc chắn sẽ dư thừa. Rồi tâm lý ngày Tết thà thừa còn hơn thiếu đã kéo những người nội trợ vào vòng quay của việc mua sắm.

Rõ ràng những cách quan niệm trên đây đã đến lúc cần phải có những sự thay đổi. Bởi lẽ nếu như thời trước, khi cuộc sống còn khó khăn thiếu thốn thì tâm lý “no 3 ngày Tết” là điều dễ hiểu. Nhưng ngày nay, việc ăn uống hầu như diễn ra quanh năm. Rồi nữa, từ chỗ ăn Tết, giờ đây nhà nhà đang chuyển dần sang chơi Tết. Áp lực tích trữ cũng không còn quá lớn khi mà các phiên chợ, siêu thị bán đồ tươi sống hoạt động đến tận đêm 30 Tết, mở cửa từ ngày mùng 2 Tết.

Hàng quán dịch vụ cũng chỉ dừng vài ba ngày Tết, còn lại vẫn hoạt động tấp nập. Điều đó đồng nghĩa cần mua sắm, tiêu dùng lúc nào thì sẽ có lúc đó. Việc tích trữ sẽ dẫn đến tình trạng thực phẩm kém tươi ngon hoặc là mốc hỏng, quá hạn.  

Cuộc sống hiện đại luôn dồn đẩy con người vào đủ thứ áp lực trong các guồng quay. Những ngày Tết chính là thời điểm để cởi bỏ, thả lỏng cho bản thân và gia đình. Chính vì vậy việc trang hoàng, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, đồ uống, các thứ lễ lạt dù là rất cần thiết nhưng liệu có đáng để quá chộn rộn, lo toan? Và nữa, để thực hiện sống văn minh thì liệu có nhất thiết cứ phải bày vẽ đủ món, đủ mồi như là một cách thể hiện thịnh tình trong giao đãi, hoặc thậm chí hơn thế còn là cách chứng minh sự hoành tráng, sang chảnh?

Mỗi năm, Tết chỉ đến một lần và ai cũng có nhu cầu hưởng thụ thành quả sau một năm lao động vất vả. Mua sắm, bày biện trong những ngày tết do đó là một nhu cầu tất yếu. Vấn đề là làm thế nào để có thể kiểm soát một cách hợp lý những sự náo nức, hào hứng trong bối cảnh hàng hóa ngập tràn với đủ lời chào mời, khuyến mại hấp dẫn?

Làm thế nào để biết vừa và đủ, để không vung tay quá mức trong chi tiêu là điều cần phải được tính toán sắp xếp. Không lãng phí, không lạm chi, để dành tiền cho những công việc cần thiết khác, đó cũng là cách thể hiện trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội và đó cũng là sự chung tay xây dựng một nếp sống văn minh, lành mạnh./.

Kiều Sương/HTTV

Xem thêm phản hồi...