/

Du lịch văn hóa hay văn hóa du lịch?

17:40 16/01/2024
51 lượt xem

Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa. Nói cách khác, đó là loại hình du lịch thu hút du khách đến tham quan các địa điểm văn hóa, để không chỉ khám phá, trải nghiệm, thư giãn mà còn được mở rộng kiến thức, kinh nghiệm, hiểu biết. Là vùng đất giàu trầm tích, Hà Tĩnh có rất nhiều thế mạnh về du lịch văn hóa thế nhưng kết quả khai thác lại còn hết sức hạn chế. 

Theo thống kê, Hà Tĩnh hiện có khoảng 1800 danh thắng và di tích lịch sử văn hoá, gần 650 di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 86 di tích quốc gia, hơn 550 di tích cấp tỉnh. Đó không chỉ là niềm tự hào về bề dày truyền thống mà còn là tài nguyên to lớn trong phát triển kinh tế xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Tuy nhiên điểm lại, chỉ có rất ít địa chỉ văn hóa, lịch sử được khai thác vào mục đích du lịch một cách đúng nghĩa. Phần lớn vẫn đang tồn tại như là sự mặc nhiên vốn có, hoặc nếu được khai thác du lịch thì cũng chỉ trong một vài phân khúc nhất định.

Từ câu chuyện làng Trường Lưu đến việc khai thác tiền năng văn hoá để phát triển du lịch

Làng Trường Lưu xưa, nay thuộc xã Kim Song Trường huyện Can Lộc là ngôi làng cổ có tuổi đời hơn 600 năm. Bên cạnh hệ thống 7 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh và một số di tích đang làm hồ sơ chờ được xếp hạng, đây còn là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam có 3 Di sản được UNESCO vinh danh, đó là: “Mộc bản Trường học Phúc Giang”, “Hoàng Hoa sứ trình đồ”, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu. Sự đặc biệt này mang đến niềm tự hào cho người dân Trường Lưu nói riêng và người dân Hà Tĩnh nói chung.

Một sắc phong trong bộ sưu tập Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.

UBND tỉnh đã đồng ý để huyện Can Lộc xây dựng Đề án quy hoạch phát triển Làng văn hóa du lịch Trường Lưu. Tuy nhiên việc triển khai đề án đang gặp nhiều khó khăn bởi cần đến nguồn kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thế nên chưa thể biến giá trị văn hóa to lớn đó thành giá trị du lịch. Và đây cũng là thực trạng chung của nhiều di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.

Hà Tĩnh có nhiều địa chỉ tâm linh nổi tiếng như: Đền thờ Quan Hoàng Mười (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân), Đền thờ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh), chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc)…Vào mùa lễ hội, các địa chỉ này luôn tấp nập du khách trong Nam ngoài Bắc… Thế nhưng khách chỉ đến trong một vài tháng và thắp hương chiêm bái nhiều hơn là để tiêu dao, vãn cảnh, hay tìm hiểu, nghiên cứu các giá trị lịch sử, văn hóa…. Bởi vậy, lượng khách lưu trú dài ngày rất ít và nhu cầu chi tiêu cũng không nhiều.

Hiệu quả từ mô hình du lịch sinh thái kết hợp với những giá trị văn hoá

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2015, Khu du lịch văn hoá - sinh thái Hải Thượng mang đến một luồng gió mới cho du lịch Hương Sơn. Du khách đến đây trước hết là để tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Hải Thương Lãn ông Lê Hữu Trác, vị danh y vừa được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua Nghị quyết cùng kỷ niệm 300 năm ngày sinh. Du khách còn được trải nghiệm nhiều dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí khác. Ban quản lý đã biến vùng sơn thủy hữu tình ở xã Sơn Trung thành một quần thể du lịch sinh thái, với các dịch vụ như tắm bùn, ngâm thuốc Bắc, nghe nhạc nước… tạo điều kiện để du khách được tận hưởng những chuyến giã ngoại, tận hưởng không khí núi rừng. Nhờ sự kết hợp đó mà lượng du khách trong nước và Quốc tế đến tham quan và nghỉ dưỡng nhiều hơn. Và mới đây tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế ASIA lần thứ 6 diễn ra tại Singapore đã vinh danh Hải Thượng Resort là “Điểm đến Du lịch văn hoá sinh thái hàng đầu châu Á 2023”.

Để tiềm năng thành hiện thực

Năm 2023, tổng lượt khách đến Hà Tĩnh đạt 3.361.000 (tăng 110% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 34% so với kế hoạch cả năm 2023). Trong đó khách lưu trú quốc tế là 14.661 lượt (tăng 31,3%); khách lưu trú nội địa là 897.651 lượt (tăng 180 % so với năm 2022). Đây là những tín hiệu đáng mừng của ngành Du lịch Hà Tĩnh sau một thời gian dài đình trệ vì dịch bệnh Covid - 19. Tuy nhiên, lượng khách đông chủ yếu rơi vào khu vực du lịch biển. Du lịch văn hóa tâm linh dù rất đông người đến trong các mùa lễ hội, nhưng thời gian lưu trú ngắn, mức độ chi tiêu ít nên hiệu quả kinh tế xã hội chưa được như mong muốn.

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định du lịch là một trong 4 ngành kinh tế trọng điểm. Và theo các chuyên gia thì đây cũng là dư địa lớn để tạo nên những động lực tăng trưởng mới sau công nghiệp, dịch vụ. Hà Tĩnh hội đủ các loại hình du lịch từ du lịch biển đến du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh. Tuy nhiên so với tiềm năng lợi thế thì những kết quả đạt được trên lĩnh vực du lịch văn hóa, văn hoá tâm linh vẫn còn khá khiêm tốn. Đây thực sự là nỗi trăn trở, đòi hỏi sự tham gia trách nhiệm sáng tạo của các địa phương đơn vị và các cộng đồng dân cư./.

Hồ Loan/HTTV

Xem thêm phản hồi...