/

Được gì sau tiếng pháo?

09:38 23/12/2023
72 lượt xem

Càng đến gần Tết nguyên đán thì nỗi lo pháo nổ càng gia tăng. Rất nhiều người bất chấp quy định để đốt pháo, qua đó làm nóng thêm tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép. Câu hỏi đặt ra là những người trong cuộc được gì sau tiếng pháo để rồi liều lĩnh, manh động?  

Tại huyện Nghi Xuân người đàn ông sinh năm 1992, trú tại thôn 9, xã Xuân Hồng đã bị xử phạt về hành vi sử dụng pháo trái phép. Cụ thể, vào hồi 19 giờ 25 phút, ngày 8/11/2023, người đàn ông đã cùng với một số người bạn đến nhà hàng để tổ chức sinh nhật.

Người đàn ông sử dụng pháo hoa trái phép bị phạt 7,5 triệu đồng

Tại đây, anh lấy một cối pháo hoa đem ra khu vực phía sau nhà hàng, sát bờ sông Lam và châm lửa đốt. Sự việc đã bị phát giác và anh đã bị xử phạt với số tiền 7,5 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy.

Còn mới nhất, vào tối ngày 17/11, trên địa bàn xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà cũng đã xảy ra vụ nổ khiến một người tử vong và 2 người bị thương nặng. Các nạn nhân được xác định sinh các năm: 1999, 2005, và 2008, cùng trú tại xã Đỉnh Bàn.

Gian bệp của ngôi nhà thành gạch vụ sau vụ nổ do pháo

Hiện trường cho thấy: gian bếp của ngôi nhà bị đổ sập, nhiều đồ dùng bị hư hỏng. Theo phân tích của cơ quan chức năng và từ sự quan sát của người dân xung quanh thì rất có thể vụ việc liên quan đến pháo.

Trong thực tế, đã có rất nhiều, rất nhiều vụ việc liên quan đến pháo nổ để lại hậu quả. Nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng thì bị xử lý hình sự, và đau lòng hơn là bị tai nạn, gây thương tổn về cơ thể hoặc tử vong. Thế nhưng nhu cầu chơi pháo, sử dụng pháo không vì thế mà thuyên giảm.

Có người dập cánh tay do chơi pháo

Nhà nước cấm pháo thì tìm cách nhập lậu qua biên giới, thậm chí là mua bán trái phép thuốc nổ để về tự sản xuất pháo. Các lực lượng như Công an, Biên phòng đã nỗ lực ngăn chặn triệt phá hàng chục vụ việc, bắt giữ hàng chục đối tượng, nhiều đối tượng đã được xét xử công khai để nâng cao tính răn đe.

Trước đó các địa phương đơn vị đã nỗ lực tuyên truyền vận động, tổ chức ký cam kết không buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ, vậy nhưng cứ vào dịp cuối năm âm lịch tiếng pháo lại vẫn cứ đì đùng khắp mọi nơi.

Có người còn tự học cách làm pháo rất nguy hiểm

Một tiếng nổ có thể mang đến sự sảng khoái nhất thời về mặt cảm giác nhưng hệ lụy thì không thể đo đếm. Điều thấy rõ nhất là những thiệt hại về mặt kinh tế. Để đốt một hộp pháo, nếu rẻ cũng phải mất tới cả trăm nghìn, nếu hoành tráng hơn có thể lên đến tiền triệu.

Nếu như những hành vi vi phạm pháp luật khác thường là vì lợi ích cá nhân, bao gồm lợi ích kinh tế, lợi ích tình cảm, hoặc là sự manh động bột phát trong một thời điểm không thể kiểm soát cảm xúc, thì hành vi sử dụng pháo trái phép lại không cho thấy điều đó.

Có những người dính vòng lao lý do buôn pháo lậu

Đốt pháo hoàn toàn là một sự chủ ý, có tính toán, sắp đặt. Sau tiếng nổ chắc chắn tiền trăm, tiền triệu cũng tan tành theo xác pháo. Cuộc sống của những người xung quanh sẽ bị xáo động và cũng chẳng mấy ai tán thưởng cho những sự bốc đồng theo kiểu như vậy.      

Không phủ nhận tiếng pháo đã từng là một phần trong đời sống văn hóa cộng đồng mỗi dịp lễ, tết, các sự kiện hiếu, hỉ và đã trở thành biểu tượng theo kiểu “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Để rồi giờ đây nhiều người vẫn quan niệm rằng: tiếng pháo mang lại sự may mắn, vui vẻ, phấn khởi.

Thế nhưng vui đâu chưa thấy, chỉ thấy sau tiếng pháo là mất tiền, mất tình cảm, thậm chí bị xử phạt, bị đi tù, bị tai nạn dẫn đến thương vong. Và do vậy nếu không hiểu đúng, không ứng xử phù hợp thì sẽ tạo ra những sự lệch lạc, chệch chuẩn trong đời sống văn hóa cộng đồng./.

Kiều Sương/HTTV

Xem thêm phản hồi...