/

Hà Tĩnh – Tăng trưởng kinh tế và động lực phát triển

17:27 31/12/2023
196 lượt xem

Năm 2023, Hà Tĩnh đạt mức tăng trưởng kinh tế đạt 8,05%, cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ và xếp thứ 15 cả nước. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giúp Hà Tĩnh từng bước hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu đề ra trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ, bổ sung chủ trương, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành cơ chế, chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; UBND tỉnh đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; tranh thủ tối đa chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi sản xuất kinh doanh; xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh triển khai các dự án công nghiệp, giao thông trọng điểm.

Từ sự quyết liệt và quyết tâm trên đây, tất cả các lĩnh vực kinh tế của Hà Tĩnh đều đạt mức tăng trưởng khá. Quy mô nền kinh tế ước đạt gần 102.500 tỷ đồng. Công nghiệp - xây dựng chiếm 41% trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm 14%; dịch vụ 45%.

Trong sự tăng trưởng khá đều của các khu vực kinh tế, xây dựng và công nghiệp đóng vai trò là những động lực chính, chi phối trực tiếp, khi đóng góp tới 4,8 điểm phần trăm tăng trưởng.

Sau 2 năm gián đoạn, tổ máy số 1 – Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã chính thức vận hành trở lại, góp phần tăng sản lượng điện của cả tỉnh lên 26%, đóng góp gần 1 điểm phần trăm tăng trưởng. Sản lượng thép của Formosa tăng 8,5%, đóng góp 1,42 điểm phần trăm. Cuối tháng 8/2023, Nhà máy Pin VinES của Tập đoàn Vin Group tại Khu Kinh tế Vũng Áng đã chính thức vận hành thương mại và cho ra đời những lô sản phẩm đầu tiên. Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD đang được triển khai quyết liệt, với khối lượng thực hiện ước đạt trên 70%, lũy kế giải ngân đến nay là gần 33.000 tỷ đồng, tương đương 1,4 tỷ USD.

Không chỉ nguồn vốn FDI, trong năm qua Hà Tĩnh cũng đã huy động hiệu quả tổng lực các nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Theo đó khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 7.000 tỷ, người dân đóng góp 12.000 tỷ. Đặc biệt nguồn vốn đầu tư công được giải ngân quyết liệt với tỉ lệ trên 94%, xếp thứ 9 cả nước. Đáng chú ý là Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông dài 102 km qua địa bàn Hà Tĩnh đã áp giá, phê duyệt phương án bồi thường 99,52%; bàn giao mặt bằng sạch 98,33%; giải ngân nguồn vốn giải phóng mặt bằng đạt 84,24%; 20/30 khu tái định cư đã được xây dựng, đạt 67%. Trước đó Hà Tĩnh dự kiến huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 45.000 tỷ nhưng kết thúc năm 2023 đã vượt lên con số 50.200 tỷ. Đây chính là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo nên con số 8,05% đầy ấn tượng.

Cũng cần phải nói thêm rằng: Hà Tĩnh đã có một năm mưa thuận gió hòa, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Sau nhiều năm tăng trưởng không đáng kể, năm 2023, nông nghiệp Hà Tĩnh tăng 2,7%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm tăng trưởng. Nền tảng sau 10 năm xây dựng nông thôn mới và những nỗ lực về phát triển nông nghiệp hàng hóa đã mang lại những mùa quả ngọt.

Năm 2024 được xác định là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025, Hà Tĩnh đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 8 đến 8,5%. Sẽ có nhiều điểm nghẽn cần phải được tháo gỡ để đạt mục tiêu này, như: Mở rộng không gian Khu kinh tế Vũng Áng; tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án trọng điểm; tạo điều kiện để Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II vận hành thử vào cuối năm 2024, nhà máy Pin Lithium đi vào sản xuất; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng khu cụm công nghiệp. Chủ động kế hoạch, phương án khi Trung ương có quyết định chính thức về dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Xem thêm: Kinh tế Hà Tĩnh động lực từ tăng trưởng

Trong năm 2023, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã tăng 9 bậc, xếp thứ 18 cả nước. Đây sẽ là một trong những yếu tố tiếp tục được quan tâm cải thiện mạnh mẽ bằng việc triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở ban ngành và chính quyền cấp huyện (gọi tắt là DDCI), cũng như đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn vào đầu tư theo các danh mục dự án đã được phê duyệt.

Để hóa giải khó khăn, vượt lên thách thức đòi hỏi không chỉ sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, sự đoàn kết nhất trí của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, quyết tâm của các tầng lớp Nhân dân, mà còn là sự kiên định, kiên trì hướng đến các mục tiêu mang tính chiến lược được xác định trong quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được công bố./.

Trần Long/HTTV

 

Xem thêm phản hồi...