/

Hái lộc đầu Xuân - nên hay không?

14:47 09/02/2024
118 lượt xem

Sau Giao thừa, nhà nhà, người người lại đi hái lộc. Tuy nhiên hái lộc như thế nào để thực hành tập tục tốt đẹp lâu đời của người Việt trong cuộc sống hiện đại là điều cần suy nghĩ.

Hái lộc đầu năm là một nét văn hóa có từ xa xưa của người dân Việt Nam. Theo quan niệm, vào thời khắc Giao thừa hay sáng Mồng 1 Tết, xin một cành lộc nhỏ ở những nơi linh thiêng như đền, chùa… sẽ được thần, Phật ban tài lộc, may mắn suốt năm.

Cành lộc chỉ là một cành rất nhỏ của những loại cây có sức sống mạnh mẽ như: Cây sung, cây si, hay cây đa, cây đề… với ý nghĩa tượng trưng mang đến sự sinh sôi nảy nở về nhà. Tuy nhiên, từ một hành xử văn hóa giờ đây hái lộc đã trở nên biến tướng.

Sau đêm Giao thừa, một cây xanh bị vặt trụi cành (Ảnh minh họa)

Với quan niệm mang được cành lộc càng to về nhà càng phát tài phát lộc, có những trường hợp trèo lên cây cao giữa đêm Giao thừa chọn lấy những ngọn cây đầy sức sống. Không chỉ hái lộc cho mình, nhiều người còn tiện thể hái lộc cho bạn bè, người thân… Cứ thế họ đã vô tình hủy hoại cây xanh, làm mất đi những giá trị tốt đẹp của tục hái lộc đầu Xuân.

Theo quan niệm của nhà Phật, gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy. Hiểu theo nghĩa đó thì việc lạm dụng bẻ cành bứt cây chắc chắn sẽ không mang đến tài lộc, đổi lại sẽ là những điều mang tính hủy hoại, xấu xí. Nói cách khác, hành động bẻ một cành lộc xanh tươi không phải là gieo nhân tốt mà chính là phá hoại, là gieo nhân xấu. Do đó, muốn cuộc sống tốt đẹp, hưởng được nhiều phước lộc thì cần gieo nhân lành.

Thay vì bẻ cây để mang lộc về nhà thì thiết thực hơn là trồng cây, bảo vệ, chăm sóc cây xanh để mang lộc đến cho muôn người.

Thay vì cầu xin trời Phật, mỗi người cần gieo nhân lành bằng cách nghĩ, lời nói và việc làm tốt mỗi ngày. Và thay vì bẻ cây để mang lộc về nhà thì thiết thực hơn là mỗi người nên nêu cao ý thức trồng cây, bảo vệ, chăm sóc cây xanh để mang lộc đến cho muôn người.

Hái lộc là một mỹ tục từ xưa, nhưng nếu cứ lạm dụng như cách hành xử của nhiều người thì chẳng mấy chốc sẽ trở thành hủ tục. Mong sao mỗi người, mỗi nhà sẽ có những cành lộc đúng nghĩa, những cành lộc được kết tinh từ thành quả lao động sáng tạo, từ sự tận tụy cống hiến, biết yêu thương chia sẻ với cộng đồng hơn là những niềm tin lệch lạc trong việc lạm dụng bứt lá bẻ cành, hủy hoại cây xanh và làm xấu xí, méo mó hình ảnh bản thân ngay trong những giây phút đầu tiên của năm mới./.

Hải Thuận/HTTV

Xem thêm phản hồi...