/

Hiểm họa tai nạn giao thông từ rượu, bia

15:44 17/01/2024
86 lượt xem

Chỉ trong vòng một tuần, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết 4 người, trong đó có 2 vụ liên quan đến vi phạm nồng độ cồn. Đây thực sự là lời cảnh tỉnh cho những người chủ quan, bất chấp quy định, đã uống rượu bia nhưng vẫn cầm lái, để rồi không chỉ gây hậu họa cho bản thân mà còn làm liên lụy đến nhiều người khác.

Vào khoảng 4 giờ sáng, ngày 13/1, trên Quốc lộ 1A, đoạn qua phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, 2 thanh niên đi xe máy đã lao thẳng vào xe tải chở gỗ keo đang đỗ bên đường. Cú va chạm mạnh khiến cả hai tử vong tại chỗ.

Xét nghiệm mẫu máu cho thấy: Hai nạn nhân có nồng độ cồn ở mức trên 200 mg/dl (Minligam/đề xilit), nghĩa là quá mức xử phạt kịch khung đến hơn 2,5 lần theo quy định tại Nghị định 100/2019.

Vụ tai nạn trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên

Một ngày sau đó, trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, một người phụ nữ điều khiển xe con cũng tông vào xe tải đang đỗ bên đường, khiến tài xế xe tải tử vong tại chỗ. Kết quả kiểm tra cho thấy: Người phụ nữ gây tai nạn có nồng độ cồn 0,385mg/1 lít khí thở, nghĩa là tiệm cận ở khung xử phạt cao nhất.

Khởi tố Nữ tài xế gây tai nạn chết người trên tuyến Quốc lộ 1A

Những vụ tai nạn giao thông đau lòng do rượu bia liên tục xảy ra. Thế nhưng trong suy nghĩ của rất nhiều người tai nạn dường như là câu chuyện của ai đó. Còn bản thân vẫn điều khiển phương tiện sau mỗi cuộc vui. Và mỗi khi bị kiểm tra, người vi phạm lại tìm cách phản ứng gây khó dễ cho lực lượng chức năng, như: Bỏ mặc phương tiện, không chấp hành đo nồng độ cồn, không chịu ký vào biên bản vi phạm, tìm cách gọi điện cho người thân để gây sức ép. Một số trường hợp còn dùng lời lẽ khiếm nhã, hoặc đôi co lý sự theo kiểu cãi cùn với những người thực thi nhiệm vụ.

XEM THÊM: Làm rõ 3 học sinh điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng

Không những vậy, nhiều người còn lập các hội nhóm Facebook, Zalo thông báo vị trí lực lượng chức năng làm nhiệm vụ để né tránh. Có những người thuê xe taxi dẫn đường cảnh báo chốt tuần tra… Và khi tránh được cảnh sát giao thông thì hả lòng, hả dạ. Những cách hành xử như vậy đang gây nên nhiều khó khăn cho Cảnh sát giao thông trong thực hiện kiểm tra nồng độ cồn.

Vào ngày 11/1 vừa qua, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ ra quân triển khai tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm “xuyên Tết” trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy. Trong đó kiểm tra nồng độ cồn đối với các tài xế được khẳng định là một trong những biện pháp mạnh để ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông.

Theo đó cán bộ chiến sỹ trong quá trình kiểm tra, xử lý được quán triệt quan điểm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Cùng với lực lượng Cảnh sát giao thông, thì các đơn vị liên quan của Công an tỉnh, Công an các huyện thị xã thành phố cũng đã được huy động. Ngoài ra còn có sự tăng cường lực lượng đến từ Cục cảnh sát Giao thông, Bộ Công an.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 1 đến nay, đã có gần 500 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong toàn tỉnh bị xử lý. Còn trong năm 2023, con số này là gần 4 nghìn người. Cũng theo thống kê: 40% số vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam liên quan đến rượu bia. Tỉ lệ này ở Hà Tĩnh là 10%. Đây là một vấn nạn nhức nhối, đòi hỏi sự đồng bộ từ giải pháp tuyên truyền, giáo dục, thực thi pháp luật đến kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm khắc để răn đe một cách thường xuyên./.

Nguyễn Hằng – Thành Trọng – Tiến Long/HTTV

Xem thêm phản hồi...