/

Kế hoạch nhỏ - thay đổi nhỏ vì ý nghĩa lớn

10:15 05/01/2024
151 lượt xem

Phong trào “Kế hoạch nhỏ” đã trở thành hoạt động truyền thống tiêu biểu của tổ chức Đội, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, hiệu ứng xã hội tích cực, tạo điểm nhấn trong công tác đội và phong trào thiếu nhi. Thế nhưng trong xu thế mới của đời sống, liệu cách làm cũ có còn phù hợp?

Từ khi ra đời đến nay, phong trào “Kế hoạch nhỏ” chủ yếu được duy trì thông qua hoạt động thu gom phế liệu, giấy vụn, đồng nát nhằm gây quỹ phục vụ các hoạt động Đội và phong trào thanh thiếu nhi, đồng thời giúp đỡ học sinh, thiếu nhi nghèo vượt khó.v.v. Qua đó nâng cao ý thức của các em trong việc tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Trong thời kỳ đất nước khó khăn, nguồn nguyên liệu sản xuất khan hiếm thì đây có vẻ như là một sự thiết thực. Nhưng hiện nay việc thu gom phế liệu đang cho thấy một sự bất cập, nghèo nàn về phương pháp trong cách thức tổ chức làm kế hoạch nhỏ. 

Đơn cử như: Để con tham gia phong trào Kế hoạch nhỏ, nhiều phụ huynh phải chi tiền mua lại phế liệu cho con hoặc xin được đóng góp bằng tiền mặt như một cách đơn giản hóa việc thu gom, đóng nộp. Vậy là công việc thu gom phế liệu dưới danh nghĩa kế hoạch nhỏ lẽ ra phải là phần việc của học sinh thì đã được phụ huynh đứng ra làm thay theo cách này hay cách khác.

Ảnh minh họa

Từ thực tế của đời sống hiện đại, có rất nhiều cách để các em lao động sáng tạo, kiếm được những đồng tiền một cách chính đáng mà không ảnh hưởng đến sức khỏe, độ tuổi, thời gian học tập, vui chơi… Chẳng hạn tổ chức đoàn đội có thể hướng các em vào những hoạt động kỹ năng, từ đó tạo ra sản phẩm, bán lấy tiền làm kế hoạch nhỏ. Như cách làm của nhiều trường vào dịp Tết Nguyên đán là một ví dụ. Theo đó trường đã tổ chức hội chợ, thi các gian hàng, phẩm vật do cô trò tự tạo, rồi bán lấy tiền ủng hộ bạn nghèo. 

Hoạt động thu gom phế liệu trong phong trào kế hoạch nhỏ, ngoài ý nghĩa kinh tế còn lồng ghép thông điệp bảo vệ môi trường, như cách làm của Trường Tiểu học, THCS và THPT Albert Eistein. Mỗi học sinh bị kiểm điểm, phê bình sẽ phải chịu hình thức xử phạt bằng cách chăm sóc một cây xanh. Khi học sinh đạt được các giải thưởng, muốn tri ân thầy cô thì thay vì quà tặng thông thường, hiện vật cũng sẽ là một cây xanh. Cứ như vậy không gian trường học được xanh hóa hàng ngày từ sự nỗ lực, chung tay của các em học sinh và thậm chí là cả phụ huynh.

Thay vì thu gom phế liệu, việc xây dựng ý thức bảo vệ môi trường còn có thể đến từ nhiều cách thức khác nhau. Chẳng hạn như phát động học sinh phân loại rác thải tại nguồn ngay trong trường học. Theo đó sẽ có những loại rác phải thu gom tiêu hủy, nhưng cũng có những loại được dùng để làm phân vi sinh, chăm bón cây xanh, có những loại có thể tái chế hoặc bán lấy tiền. Nhưng điều quan trọng hơn là xây dựng cho các em tinh thần trách nhiệm trong ứng xử với các loại rác do chính mình thải ra. 

Thực tiễn cho thấy đang có rất nhiều cách làm sáng tạo, khơi dậy được trách nhiệm, tinh thần tuổi nhỏ làm việc nhỏ của các em học sinh. Chỉ có điều tất cả vẫn đang tự phát đâu đó, chưa được nghiên cứu, hệ thống hóa để trở thành những kinh nghiệm, phương pháp hay là tiêu chí trong phong trào kế hoạch nhỏ.

Cuộc sống luôn thay đổi và một phong trào rất có ý nghĩa như Phong trào Kế hoạch nhỏ chắc chắn cũng cần phải được thay đổi, ít nhất là về phương pháp, cách làm. Nếu suy nghĩ tuổi nhỏ chỉ có thể kiếm tiền thông qua thu gom sách vở giấy báo cũ, vỏn lon, chai nhựa, đồ hộp… thì đó thực sự là một cách nghĩ máy móc, giản đơn và thậm chí là nghèo nàn về ý tưởng của người lớn so với sự phong phú, giàu có trong chính tâm hồn trẻ thơ./.

Hải Thuận/HTTV

Xem thêm phản hồi...