/

Người dùng điện thoại thông minh, liệu đã thông minh?

16:38 25/01/2024
54 lượt xem

Không ai tự vấn về những điều được mất khi dành quá nhiều thời gian cho điện thoại. Và cũng không ai lên tiếng trước những sự phản cảm, thậm chí là nguy hiểm về thói quen sử dụng điện thoại quá đà. Phải chăng chính những sự im lặng như thế này đã biến những việc bất thường trở nên bình thường?

Tại Hà Nội, đã từng xảy ra một vụ tai nạn đuối nước trong giờ thực hành môn bơi lội ở bể bơi Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam thuộc quận Hà Đông, khiến một nam sinh tử vong.

Sự việc càng trở nên đau xót hơn khi cơ quan điều tra kết luận: thầy giáo hướng dẫn vì mải mê ngồi bấm điện thoại, không biết học sinh bị đuối nước từ lúc nào.

Vụ án đã được khởi tố thế nhưng hành vi bấm điện thoại đến nỗi quên cả nhiệm vụ, quên cả sinh mạng học trò của thầy giáo thì vẫn cứ day dứt, ám ảnh đối với nhiều người.

Dùng điện thoại thông minh quá đà đẩy những người gần nhau ra xa nhau. Ảnh minh họa

Không nói đâu xa, trong rất nhiều gia đình, cảnh tượng vào bữa ăn hay lúc lên giường, mỗi người dán mắt vào một chiếc điện thoại đã trở nên bình thường. Như gia đình này là một ví dụ. Mẹ lướt web, vào mạng xã hội, con chơi Games, bố xem tin tức qua các App báo chí truyền hình…

Vậy là với chiếc điện thoại trong tay, ai cũng tìm thấy niềm vui riêng trong một mái nhà chung. Lắm lúc người mẹ cũng giật mình vì sự giao hòa đang dần trở nên ít đi, thế nhưng sau đó lại tặc lưỡi để thói quen tiếp diễn.

Đó là câu chuyện trong gia đình, còn ngoài xã hội cũng không thiếu những hành vi lạm dụng điện thoại đến mức vi phạm các chuẩn mực cộng đồng hay thậm chí là vi phạm pháp luật.

Sử dụng điện thoại khi lái xe là một ví dụ. Chỉ cần lên mạng tìm kiếm từ khóa "tai nạn giao thông vì sử dụng điện thoại" hoặc "lái xe sử dụng điện thoại gây tai nạn" sẽ thấy vô số bài viết, thậm chí có cả clip ghi hình.

Rồi cảnh tượng những nam thanh nữ tú vừa lái xe vừa lướt Tiktok, Facebook, Zalo…ngoài đường cũng không hiếm gặp. Giữa chốn đông người, người ta tự cho mình mở nhạc, mở loa ngoài điện thoại một cáchkhoái chí. Rồi trước các sự kiện tập thể, người ta dí điện thoại vào để Livestream bất kể người trong cuộc có đồng ý hay không.

Điện thoại thông minh ngày càng trở nên thông minh hơn, bởi sự phát triển đến chóng mặt của công nghệ. Các ứng dụng ngày càng đa dạng, tiện ích, thậm chí đọc được cả cảm xúc, thói quen người sử dụng.

Chỉ có điều trong khi công nghệ phát triển quá nhanh, thì tư duy, lối sống của con người lại dường như đang không theo kịp để rồi bị lệ thuộc vào điện thoại từ lúc nào không hay.

Thay vì bầu trời rộng lớn thì giờ đây tầm mắt của mỗi người bị thu hẹp trên màn hình điện thoại, thay vì lắng nghe âm thanh cuộc sống thì giờ đây đôi tai mỗi người bị bịt chặt bởi chiếc tai nghe, thay vì sống cuộc đời thực thì lại chủ yếu sống ảo.

Điện thoại thông minh giúp kéo những người ở rất xa lại gần nhưng lại đẩy những người ở gần ra rất xa nhau.

Sử dụng điện thoại là quyền của cá nhân nhưng sử dụng điện thoại để không xâm phạm đến người khác thì lại phải tuân thủ các quy định. Chẳng hạn lái xe sử dụng điện thoại nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự.

Tương tự như vậy, nếu sử dụng điện thoại xâm phạm đến đời tư cá nhân có thể sẽ bị phạt tiền, cũng có thể bị phạt tù… Quy định là vậy nhưng đáng tiếc là trong thực tế hiệu quả giám sát, xử lý lại rất thấp.

Thục Anh/HTTV

Xem thêm phản hồi...