/

Phật ở đâu?

15:28 15/01/2024
101 lượt xem

Một sợi tóc được khẳng định là của Đức Phật từ cách đây 2.600 năm, có thể tự chuyển động, được rước từ Mi-an-ma về chùa Ba Vàng, tỉnh Quảng Ninh. Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng được ly kỳ hóa trong đời sống. Liệu điều đó có đúng với tinh thần tôn giáo? Và liệu có phải các tín đồ đang bị trục lợi niềm tin từ chính sự mơ hồ, lệch lạc?

“Xá lợi tóc đức Phật” có lẽ là một trong những từ khóa được sử dụng nhiều nhất qua các công cụ tìm kiếm trên Internet mấy tuần vừa qua. Câu chuyện bắt đầu từ việc chùa Ba Vàng ở tỉnh Quảng Ninh công bố thông tin rước sợi tóc do chính  Đức Phật nhổ trên đầu cách đây 2.600 năm từ My-an-ma về Việt Nam để phật tử và người dân chiêm bái. Xá lợi tóc thậm chí còn được li kỳ hóa khi có thể tự cử động mà không có bất cứ một tác động vật lý nào.

Đã có rất nhiều người tìm đến trước cái gọi là xá lợi để xì xụp khấn vái, mong một lần trong đời được tận mắt thấy sợi tóc Đức Phật. Thế nhưng theo các nhà khoa học và ngay cả các bậc tu hành thì đây là một điều phi lý. Thêm nữa, mọi sự thần bí, kích thích sự tò mò cũng không đúng với tinh thần đạo Phật.

Cái gọi là “Xá lợi tóc đức Phật”

Theo Phật pháp thì Đức Phật cũng là một con người bằng xương bằng thịt, tuân theo quy luật sinh lão bệnh tử. Ngài không dạy chúng sinh về sức mạnh siêu nhiên mà là người khai mở, giác ngộ để mọi người nhận ra quy luật, từ đó tự thay đổi hoàn cảnh, biết đón nhận mọi biến cố cuộc đời với tinh thần, trí tuệ sáng suốt. Câu chuyện li kỳ hóa cái gọi là xá lợi tóc đức Phật như ở chùa Ba Vàng chỉ là một trong rất nhiều biểu hiện của sự li kỳ hóa, huyền bí hóa trong nhiều hoạt động tín ngưỡng tôn giáo nói chung và tín ngưỡng Phật giáo nói riêng, dẫn dắt con người vào niềm tin mù quáng, mê tín dị đoan.

Trong thời gian qua đã có khá nhiều tổ chức, cá nhân, cơ sở tôn giáo, thờ tự được phát hiện có những nghi lễ, việc làm quái gở, trục lợi niềm tin của tín đồ. Có thể kể ra các tà giáo như: Hội thánh đức chúa trời, Tịnh thất bồng lai, hay như ở Hà Tĩnh là tà đạo chân không của Lưu Văn Ty. Rồi nữa ngay đến một số ngôi chùa cũng tổ chức dâng sao giải hạn. Những chốn đền chua linh thiêng lại xuất hiện đầy rẫy những hiện tượng phản cảm như nhét tiền vào tay thần phật, đốt vàng mã mù mịt với niềm tin “tốt lễ dễ kêu”... Pháp luật đã quy định cụ thể cho hoạt động của các cơ sở tôn giáo, thờ tự nhưng trong thực tế việc chấp hành vẫn còn hết sức tùy tiện.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN khu vực phía Bắc thảo luận một số nội dung, trong đó có việc xem xét kỷ luật đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng. Ảnh: Giác Ngộ.

Nguyên nhân của những sự lệch lạc, phản cảm không đáng có phần nhiều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của người hành lễ. Trong thực tế, rất nhiều, rất nhiều người đến trước cửa đền, cửa chùa chỉ với một tâm niệm là khấn vái, cầu xin mà không nắm được bản chấp tốt đẹp của tôn giáo tín ngưỡng, không hiểu giáo lý, không biết đến nguyên tắc tu tập, thực hành tín ngưỡng, để tự mình thay đổi, hướng tới các giá trị tốt đẹp. Và đây cũng chính là cơ sở để nhiều cá nhân, tổ chức, thậm chí là cơ sở tôn giáo lợi dụng, trục lợi niềm tin, dẫn dắt tín đồ vào những hành vi mê muội. Sự thiếu hiểu biết là nguyên nhân quan trọng của sự lệch lạc.

Trở lại với câu chuyện xá lợi tóc ở chùa Ba Vàng. Về ngữ nghĩa, cách dùng từ xá lợi đối với một sợi tóc đã là không chính xác, bởi xá lợi là những hạt cứng còn sót lại sau khi hỏa thiêu. Và sợi tóc thì chắc chắn không thể là những hạt cứng còn sót lại. Thế nhưng với rất nhiều người, họ không chỉ tin vào xá lợi tóc mà còn tìm đến để chiêm bái xá lợi máu như lan truyền của một đệ tử chùa Ba Vàng.

Rõ ràng sự kỳ bí hóa những câu chuyện liên quan đến Đức Phật và rộng hơn là câu chuyện của các thánh thần đã đẩy niềm tin tôn giáo rẽ sang một hướng khác. Thay vì tự mình tu luyện, thực hành các sinh hoạt tín ngưỡng, nghiên cứu kinh sách giáo lý để ngộ ra giá trị cuộc sống thì rất nhiều người lại đặt niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên, để rồi có những hành động mù mờ, lầm lẫn./.

Linh Thủy/HTTV

Xem thêm phản hồi...